(PetroTimes) - Sự nguy hại của sinh vật ngoại lai đến con người, môi trường, kinh tế đã được cảnh báo từ lâu. Thế nhưng ở nước ta, sinh vật ngoại lai ẩn chứa đầy nguy hiểm vẫn được nhập khẩu như là một nguồn lợi kinh tế giúp nông dân ở vùng nông thôn làm giàu.
Năng lượng Mới số 272
Cảnh báo sau khi lỡ nhập
Cách đây hơn 50 năm, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa ra cảnh báo nguy hại môi trường sống và con người của sinh vật ngoại lai. IUCN đã lập công ước và đưa ra một tài liệu hướng dẫn với 6 vấn đề ưu tiên như: nâng cao nhận thức về tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và kinh tế xã hội ở cả các nước phát triển và đang phát triển, ưu tiên cho công tác ngăn chặn sự du nhập của các loài sinh vật ngoại lai ở quy mô quốc gia cũng như trên toàn thế giới...
Trứng ốc bươu vàng
Hiện nay các nhà khoa học cho rằng, sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Chủ yếu như theo gió, dòng nước, bám theo các loài di cư... Nhưng trong đó nguy hại nhất là sự chủ động của con người khi đưa các loại sinh vật ngoại lai vào đời sống. Bài học ốc bươu vàng (Pomacea sp) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhập khẩu chính ngạch vào nước ta với hy vọng phát triển thành một nguồn thực phẩm là một ví dụ và đến nay loại sinh vật ngoại lai này vẫn đang là một hiểm họa có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Loài ốc ấy đã nhanh chóng lan từ Đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương. Cho đến nay, hằng năm Nhà nước vẫn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng không thể tận diệt được vì ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó còn có bèo tây, cây dương xỉ, cá dọn bể, cá hoàng đế, cá hổ đều trong danh sách loài xâm hại nguy hiểm đã được cảnh báo được nhập về.
Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: "Mặc dù các loài sinh vật ngoại lai đang gây hại lớn nhưng những hạn chế trong việc nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý. Chúng ta đã gặp phải bài học đắt giá qua sự bùng phát ốc bươu vàng. Nhưng đến nay, sự du nhập nhiều loài sinh vật ngoại lai xâm hại vẫn chưa được kiểm soát".
Thiếu 90% cán bộ chuyên quản
Trước tình trạng nhiều loài sinh vật ngoại lai được du nhập vào nước ta trong khi công tác kiểm soát, ngăn ngừa còn lỏng lẻo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.
Cá piranha - loài cá ăn thịt cực kỳ nguy hiểm vẫn đang được các đại gia săn lùng nuôi làm thú cưng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành khảo sát các ban, ngành liên quan đã phát hiện thực trạng đáng lo ngại của công tác kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo kết quả điều tra, đánh giá của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, có tới 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp quản lý Trung ương và trên 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp địa phương chưa đủ khả năng, năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại do chưa có cán bộ hiểu biết về sinh vật ngoại lai hay do chưa có đủ phương tiện vật chất, kỹ thuật, tài chính... Mặt khác, một trong những đơn vị quan trọng nhất kiểm soát sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai là hải quan thì gần như phần lớn nhân viên thiếu thông tin, kiến thức về sinh vật ngoại lai. Theo thăm dò của Tổng cục Môi trường, có khoảng 60% cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) và Chi cục Hải quan địa phương không nhận biết được một số loài là sinh vật ngoại lai xâm hại.
Vừa qua, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo tăng cường công tác quản lý về sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra sự chồng chéo trong công tác quản lý và bất hợp lý ngay trong Luật Đa dạng sinh học đã tồn tại nhiều năm nay. Điển hình là việc quản lý đa dạng sinh học trong đó có sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học nhưng nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành chưa rõ ràng và phân tán như ngành nông nghiệp được quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam nhưng quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do ngành tài nguyên và môi trường. Sự chồng chéo này khiến việc ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai thiếu thống nhất, kém hiệu quả.
Cá hoàng đế
Trước thực tế trên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Văn Khương cho rằng: "Đã có nhiều văn bản quy định về sinh vật ngoại lai, nhưng dường như việc nhận diện và xử lý chúng, đối với các cơ quan chức năng còn hạn chế. Nếu thực tế này không được khắc phục, thì sinh vật ngoại lai không ngừng phát sinh và sẽ gây ra những hậu quả nặng nề".
Quản lý triệt để sinh vật ngoại lai xâm hại đang trở thành vấn đề cấp bách, bức thiết. Hàng triệu nông dân đang từng ngày, từng giờ phải chịu thiệt hại vì ốc bươu vàng, cá dọn bể, bèo tây... Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần xắn tay vào ngăn chặn, tiêu diệt sinh vật ngoại lai để giảm thiệt hại cho dân, trả lại môi trường sống an toàn cho các sinh vật bản địa trong đó có con người Việt Nam.
Phương Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét