Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Hai vấn đề của năm

Hai vấn đề của năm

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Nhìn lại năm 2013, có lẽ những vấn đề kinh tế thì đã rõ, các câu chuyện kinh doanh cũng đã được bàn luận tận tường nhưng cái đọng lại lớn nhất, băn khoăn vẫn còn gây vướng víu nhiều nhất vẫn là hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu một góc cạnh kinh tế nhỏ của các vấn đề y tế và giáo dục.

Ngành y tế thường nghĩ bệnh nhân bảo hiểm y tế là người nghèo, từ đó mới có sự phân biệt đối xử. Đây là một nhận định hoàn toàn ngược với những nguyên tắc xây dựng một nền y tế bảo hiểm toàn dân. Có thể đúng là bệnh nhân bảo hiểm y tế là người nghèo vì người có tiền sẽ sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh có thu phí cao hơn, chất lượng cũng tốt hơn, được đối xử ân cần hơn. Nhưng đó là bức tranh méo mó, cần điều chỉnh bởi nguyên tắc của bảo hiểm y tế là chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia và mức hưởng bảo hiểm tùy theo mức độ bệnh tật. Hoàn toàn không có chuyện giàu nghèo gì ở đây cả.

Trong khi đó, vấn đề sử dụng cơ sở vật chất công (các bệnh viện công) để hợp tác với tư nhân trang bị máy móc thiết bị nhằm cung cấp dịch vụ y tế có thu tiền mới chính là chuyện kinh doanh trên lưng bệnh nhân, cần chấn chỉnh. Sự tồn tại những khoa dịch vụ cao cấp trong khuôn viên bệnh viện công mới chính là đối tượng mà Bộ Y tế cần nghiên cứu để loại bỏ.

Tương tự như vậy, bỗng dưng trong ngành giáo dục lại nảy sinh khái niệm trường công chất lượng cao. Thử nghĩ trong một ngôi trường công, hoạt động nhờ ngân sách nhà nước, bỗng tách ra một số lớp được trang bị tốt, được thầy cô giáo giỏi đảm trách, được ưu tiên mọi loại máy móc, chắc chắn mọi người sẽ đồng ý với nhau là làm vậy không công bằng với toàn thể học sinh. Thì nay trong một thành phố, bỗng có một số trường có cơ sở vật chất thuộc loại tốt nhất, được phân công thầy cô giáo giỏi nhất và thu phí cao hẳn nên chỉ có con em gia đình khá giả mới đủ điều kiện vào học - hình thức giáo dục như thế có công bằng không? Thiết tưởng câu trả lời cũng đã rõ, thế nhưng ngành giáo dục vẫn tiến hành triển khai cách làm như thế mà không có sự chấn chỉnh nào của Nhà nước hay cơ quan quản lý giáo dục.

Vì vậy, khi nhìn về năm 2014, mong mỏi của nhiều người không chỉ là sự phục hồi của nền kinh tế, sự hồi sinh của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm cho xã hội. Mong mỏi đó còn là những động thái chấn chỉnh lại hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là ở các góc cạnh dễ thực hiện có liên quan đến các nguyên tắc kinh tế, để giảm nhẹ khó khăn cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế trì trệ. Y tế và giáo dục là hai cột trụ mang tính nền tảng của xã hội. Nền tảng có vững vàng thì kinh tế mới bền vững. Có như thế niềm vui về một năm 2014 có triển vọng tốt trong phát triển kinh tế mới được trọn vẹn.

Từ khoá: kinh doanh chất lượng cao dịch vụ không công bằng khám chữa bệnh kinh tế bệnh nhân người nghèo giáo dục bảo hiểm bão nền kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét