Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Khi hệ thống giám sát không thể... giám sát

Các cơ quan giám sát của Việt Nam đang hoạt động một cách độc lập, thiếu tính phối hợp.

Khủng hoảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ tính chưa hợp lý của các chính sách điều hành vĩ mô cho đến hành vi sai phạm của các tổ chức tài chính như vụ án bầu Kiên, vụ lừa đảo của Huyền Như hay sai phạm của Công ty Chứng khoán SME.

Trong số các nguyên nhân này, không thể không kể đến tính thiếu hiệu quả của mô hình giám sát tài chính Việt Nam mà ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây đã thừa nhận.

Trong mô hình giám sát tài chính mà Việt Nam áp dụng, có thể nói vai trò của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đang ở vị trí khá yếu. Dường như nó đóng vai trò của một cơ quan tư vấn cho Chính phủ hơn là đơn vị trực tiếp thanh tra giám sát hay ban hành chế tài xử lý.

Trên thực tế, quyền năng này đang nằm trong tay các đơn vị khác. Cụ thể hơn, Ngân hàng Nhà nước vừa là nhà điều hành vừa là đơn vị giám sát hệ thống ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính) thực hiện chức năng giám sát thị trường chứng khoán và Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) giám sát thị trường bảo hiểm.

Thực ra, mô hình giám sát tài chính của Việt Nam về căn bản là không sai, nhưng một khiếm khuyết lớn của mô hình này là khả năng chia sẻ thông tin kém giữa các đơn vị quản lý. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), mỗi cơ quan giám sát hiện hoạt động độc lập, thiếu tính phối hợp. Điều này đã gây khó khăn trong việc giám sát những rủi ro có tính kết nối xuyên qua các khu vực tài chính khác nhau.

Trong khi đó, hoạt động tài chính là hoạt động vô cùng phức tạp. Một hành vi của nhà đầu tư có thể tác động đến cả thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Chẳng hạn, công ty chứng khoán dùng tiền vay từ ngân hàng mẹ để cho nhà đầu tư chứng khoán vay tiền trong hợp đồng margin (ký quỹ), vốn rất phổ biến trên thị trường. Hành vi này làm phát sinh những rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và chứng khoán.

Đây là ví dụ điển hình cho nhu cầu cần phải chia sẻ thông tin giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Ngoài ra, theo VDF, nhiều khái niệm liên quan đến hệ thống giám sát tài chính vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và thống nhất trong các văn bản luật như các thị trường tài chính, công ty hoạt động tài chính, thanh tra, kiểm tra. Chất lượng và đội ngũ giám sát dường như chưa theo kịp với tốc độ phát triển ngày càng phức tạp của hệ thống tài chính.

Việt Nam cũng chưa có hệ thống cảnh báo sớm cũng như xây dựng kế hoạch hành động sau giám sát. Tính thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính cũng là một trở ngại khác.

Một vấn đề không nhỏ tác động gián tiếp đến tính hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính nằm ở thể chế. Một hệ thống giám sát hiệu quả cần được hỗ trợ bởi một thể chế tốt như tính đầy đủ của luật pháp, thượng tôn pháp luật, luật bảo vệ tài sản, hệ thống tòa án độc lập. Nhưng đáng tiếc, đây lại là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, có khá nhiều mô hình giám sát tài chính trên thế giới, nhưng điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay không phải là chạy theo mô hình giám sát tài chính nào, mà là khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ thể chế để giúp việc giám sát an toàn tài chính, cũng như sự phối hợp chính sách giám sát với chính sách kinh tế vĩ mô trở nên hiệu quả hơn. "Đây là mục tiêu lớn hơn của việc xây dựng lại hệ thống tài chính lành mạnh, hiệu quả và tái cấu trúc nền kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi", ông nói.

Đồng quan điểm, ông Jose De Luna Martinez, chuyên gia cấp cao về tài chính của Ngân hàng Thế giới, cho rằng: "Không có bằng chứng nào cho thấy mô hình nào là tốt hơn. Quan trọng là khung khổ pháp lý phải bắt kịp với sự thay đổi của thị trường. Hơn nữa, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng".

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không cải tổ nền kinh tế triệt để, mà trong đó xây dựng hệ thống giám sát đủ tốt là một nhiệm vụ quan trọng thì thật khó để Việt Nam có thể dự báo và phòng ngừa hiệu quả những rủi ro có thể xuất hiện dù là nhỏ.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đang đóng vai trò của một cơ quan tư vấn cho Chính phủ hơn là đơn vị trực tiếp thanh tra giám sát. 

Từ khoá: hội nhập quốc tế nhà nước thị trường tài chính thị trường gia tái cấu trúc quan trọng tài chính công ty hiệu quả bộ tài chính vai trò bảo hiểm an toàn tài chính chứng khoán xây dựng việt nam bão nền kinh tế ngân hàng chính sách thông tin đầu tư chứng khoán kinh tế thị trường chứng khoán thị trường bảo hiểm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét