Nhiều giải pháp hỗ trợ ngành cao su đang được đề xuất tới các cơ quan chức năng, một mặt, tự bản thân DN tìm cách vượt khó…/ Khi giá mủ cao su lao dốc
Ông Lê Văn Vận, cán bộ phòng XNK công ty TM XNK tỉnh Bình Phước cho hay, mủ cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại thị trường cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu chủ lực xuất khẩu cao su sang Trung Quốc hôm 28/5 vẫn đứng ở mức thấp 11.500 đến 11.600 nhân dân tệ/tấn (qui đổi 1 NDT = 3.370 VNĐ, tương đương với 38,7 triệu đồng/tấn).
"Nói là Móng Cái nhưng phía Trung Quốc hiện chỉ chấp nhận mặt hàng cao su VN đi qua cửa khẩu duy nhất là Lào Cai mà thôi" - ông Vạn thông tin thêm.
Rõ ràng, với mức giá này, trung bình mỗi tấn cao su xuất khẩu, các doanh nghiệp lỗ ít nhất 5 triệu đồng. Điều đó cũng có nghĩa nông dân thu hoạch sản phẩm bán ra không đủ bù vào chi phí. Nhiều công ty cao su ở khu vực miền Đông và Tây Nguyên tồn kho hàng nghìn tấn mủ nhưng bán ra vẫn chậm dù giá thấp.
Tính đến ngày 20/5, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) còn tồn kho 39 ngàn tấn mủ (bao gồm cả lượng mủ đã ký hợp đồng bán nhưng chưa giao), cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 9,5 ngàn tấn. Điều đáng nói là khu vực Tây Nguyên, nơi có sản lượng cao su XK qua Trung Quốc nhiều nhất trong ngành hiện không ít các DN đang gặp khó.
Tại các công ty cao su ở Tây Nguyên và miền Trung, giá cao su XK chỉ còn 39 triệu đến 41 triệu đồng/tấn mủ sơ chế. Riêng tại công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk, đã có gần 4.000 ha của các hộ liên kết đang ngừng cạo mủ hoặc cạo mủ cầm chừng. Vì vậy, sản lượng toàn công ty này năm nay có thể sụt giảm hơn 3.000 tấn.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu bảng nhập khẩu cao su từ Việt Nam với tỷ lệ 35,91%, thứ hai là Malaysia chiếm 15,45%. Còn các khách hàng hợp đồng dài hạn như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ chỉ chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn từ 4-7%.
Điều đáng nói, dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng qua, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Chẳng hạn, Trung Quốc giảm 37,65% về khối lượng và giảm 53,26% về giá trị; Malaysia giảm 22,61% về khối lượng và giảm 45,86% về giá trị. Đặc biệt, giá cao su XK bình quân 4 tháng qua chỉ đạt 1.997 USD/tấn, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại công ty Cao su Bà Rịa, một thương hiệu có tiếng về xuất khẩu cao su, nhưng hiện nay giá mủ cao su sơ chế XK của công ty này chỉ đạt 45 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1/3 giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Biện pháp nhằm giảm lỗ cho doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải gi���m lương, thưởng.
"Hai năm trước, thu nhập bình quân của công nhân trên 7,8 triệu đồng/tháng. Trong năm nay, chắc chắn thu nhập của công nhân sẽ thấp nhưng chúng tôi cố gắng để công nhân mình đạt mức 6-6,5 triệu đồng/tháng nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống mà bám trụ tiếp tục sản xuất", ông Trần Văn Chánh, Phó Tổng giám đốc, phụ trách công ty nói.
Trước tình hình giá mủ đi xuống, VRG vừa có thông báo cho các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch đảm bảo sản xuất 1 tấn mủ cao su XK phải có lãi 5 triệu đồng. Theo đó, nếu giá bán 42 triệu đồng/tấn thì xây dựng giá thành sản xuất là 37 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản tốt trong thời điểm thuận lợi. Còn như hiện tại, khó có thể đạt mức giá bán nói trên, bởi giá mủ hiện chỉ còn 39-40 triệu đồng/tấn. Do đó, vấn đề đặt ra là, nếu giá mủ tiếp tục giảm sâu nữa thì liệu phương án xây dựng giá thành sản xuất có còn thấp hơn nữa được không, và thấp đến bao nhiêu là hợp lý? Chúng tôi nêu câu hỏi này với một vài DN cao su thì hầu hết đều từ chối vì "rất khó trả lời".
Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận cho biết: "Nếu giá bán 43 triệu đồng thì giá thành phải 38 triệu đồng, còn giá bán 40 triệu đồng thì giá thành phải 35 triệu đồng, trừ nhóm đơn vị đặc biệt khó khăn. Hiện trong ngành đã có những DN chủ trương giảm giá thành rất tốt. Tuy nhiên, có 2 phần không thể giảm đó là tiền lương công nhân và khấu hao trong giá thành".
Ngoài ra, sắp tới VRG sẽ đề nghị giảm chi phí quản lý, đặc biệt là về hội họp, đi công tác nước ngoài. "Chúng tôi đã có chủ trương giảm 50% chi phí đi nước ngoài, có chủ trương rồi thì phải chấp hành. Đây cũng là cơ hội để củng cố công tác quản lý được tốt hơn", ông Thuận nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá thành trong chế biến cao su, cụ thể là định mức chỉ tiêu kỹ thuật như xăng dầu, điện, hóa chất… đang có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp thành viên VRG. Có DN chi phí xăng dầu, điện, hóa chất 3,5 triệu đồng/tấn, có doanh nghiệp cao hơn hoặc thấp hơn. Về vấn đề trên, ông Thuận nói "VRG sẽ có phương án điều chỉnh lại chi phí này, nhất là việc sử dụng axit sunfuric hiện còn lãng phí và góp phần làm tăng giá thành".
Được biết, có một số DN ở khu vực Đông Nam Bộ cam kết sẽ đảm bảo mức lợi nhuận 5 triệu đồng/tấn như công ty CS Phú Riềng xây dựng "kịch bản" giá bán 42-45 triệu đồng/tấn với giá thành 37 triệu đồng/tấn, công ty CP CS Phước Hòa dự kiến giá bán 45 triệu đồng/tấn, giá thành 39 triệu đồng/tấn và đảm bảo tiền lương 5,6 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, các DN khác cho biết, để nhằm mục tiêu đạt lợi nhuận 5 triệu đồng/tấn thì cần phải siết chặt giá thành hơn nữa trong thời gian tới.
Đề nghị Bộ Tài chính miễn thuế xuất khẩu 3%
"Hiện nay, cung đã vượt cầu là 500 nghìn tấn cao su, chưa nói tới một số lượng lớn cao su tiểu điền tồn kho tại rất nhiều quốc gia, chẳng hạn Trung Quốc và một số nước khoảng hơn 1 triệu tấn nữa. Điều này tất nhiên làm ảnh hưởng rất mạnh đến giá cao su trong nước. Trong lúc giá cao su xuống thấp, giá thành sản xuất gần bằng giá bán mà Bộ Tài chính áp mức thuế 3% khiến cho DN và nông dân càng điêu đứng hơn. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính miễn thuế XK 3% như hiện nay để ngành cao su vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn này", ông Võ Hoàng An - Trưởng Ban xuất khẩu VRG kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét