Cựu chiến binh Vương Khả Khai, bệnh binh hạng 1/3, sinh năm 1938, quê ở Xóm Hanh, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh hà tĩnh, tháng 2/1960 đi bộ đội nghĩa vụ, tháng 4/1962 xuất ngũ, đến tháng 4/1965 tái ngũ vào Đại đội 18, Trung đoàn 31, Sư đoàn 341, chiến đấu ở Quảng Trị, tháng 12/1967 vào chiến đấu ở Mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng. Thời gian qua, ông nhiều lần trở lại chiến trường xưa tìm được 6 ngôi mộ đồng đội. Ông tâm niệm: Còn sống, còn đi tìm đồng đội…
Đất nước thống nhất gần 40 năm nhưng ông Vương Khả Khai không khi nào quên mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong cuộc kháng chống Mỹ, nơi đây là chiến trường ác liệt nhất miền Nam, nhưng đồng bào thì tốt vô cùng. Nhiều người hi sinh cả tính mạng để bảo vệ bộ đội. Ruột ông lúc nào cũng như lửa đốt bởi còn nhiều đồng đội chưa tìm được mộ. Thế là theo tiếng gọi của trái tim, mặc dù tuổi cao sức yếu, trên mình mang nhiều bệnh tật, ông vẫn hăng hái trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Lần đầu tiên, vào tháng 2/2007, ông bắt xe vào thành phố Đà Nẵng, ở lại một đêm sáng hôm sau đi về xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc gặp ông Nguyễn Trung Chính, người quen. Hôm sau, hai ông xuống thôn 9, xã Đại Cường gặp ông Quý. Nghe ông Chính giới thiệu, ông Quý nhận ra ông Khai ngay. Ông Khai hỏi ông Quý về các liệt sĩ Kiều, Bốn và Kỳ hi sinh trong hầm bí mật năm ấy. Ba người đến xã Đại Minh gặp ông Trần Đình phụ trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội, giở sơ đồ ra thì ba ngôi mộ ở vạt cỏ săng gần nhà bà Thu đã bốc đi 2 ngôi. Hỏi ai bốc. Ông Đình cho biết: – Bà Bốn!
Ba người tìm về nhà bà Bốn. Bà ở trong một ngôi nhà nhỏ, bộ bàn ghế cũ đã xiêu vẹo. Sau khi nghe chuyện, bà xúc động nói: – Chúng tôi đã bốc được 2 ngôi, hằng năm vẫn hương khói. Rồi họ cùng đến gặp ông Hóa, người trực tiếp bốc 2 ngôi mộ. Ông Hóa đưa mọi người ra nghĩa trang liệt sĩ chỉ hàng số 5, mộ số 4: – Đây là ngôi mộ ông Hóa bốc cùng mộ cô Bốn. Ông Quý quay lại nói với hai người cùng đi: – Đúng ngôi mộ số 4, hàng thứ 5 mà ông Hóa bốc đưa vào nghĩa trang là mộ đồng chí Kiều rồi. Hôm anh em mai táng thứ tự mộ cô Bốn, đến mộ đồng chí Kiều, rồi đến đồng chí Kỳ. Ba người hẹn nhau hôm nào đưa gia đình đồng chí Kiều vào thăm, quy tập mộ đồng chí vào nghĩa trang.
Chia tay hai người, ông Khai đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Dương Đình Rốn nhưng không tìm được. Ông về xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn tìm mộ đồng chí Phạm Hùng Tiến, quê xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tìm về gặp lại bà Tám (một người quen lúc chiến tranh ác liệt) ở bến đò. Gặp bà Tám, ông mừng quá. Khi biết ông đi tìm mộ liệt sĩ, bà Tám bảo: – Hôm 26 tết chúng tôi đào gốc bạch đàn ở sau hè chùa về nấu bánh chưng, đào nhầm một ngôi mộ có đắp dù hoa. Chúng tôi lấp lại. – Đúng là mộ đồng chí Tiến rồi. Đồng chí Tiến tham mưu trưởng Khu 2 bị thương ở ngã ba Hòa Khương, đem về bên này sông thì hi sinh. Mai táng sau hè chùa thôn 4, trên thi thể có đắp tấm dù hoa. Ông nhờ bà Tám đưa ra mộ, nhìn lại địa hình thì đây chính xác là mộ đồng chí Tiến. Lúc đó trong ông cảm xúc trào dâng, không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm mà thi thể đồng chí còn nằm dưới gốc cây bạch đàn. Ông thay mặt đồng đội, thay mặt gia đình thắp hương hứa sẽ đưa đồng chí về quê. Ngày hôm sau, ông về huyện Duy Xuyên tìm mộ đồng chí Lê Quảng Ba nhưng không được.
Về nhà, đêm nằm ông nhớ lại hi sinh cùng đồng chí Ba có đồng chí Bùi Văn Tỉu quê xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông lần mò ra Đại Lộc hỏi thăm gia đình đồng chí Tỉu. Gặp cháu Đông, con trai đồng chí Tỉu. Ông và cháu Đông ra thành phố Vinh tìm gặp ông Nguyễn Xuân Chí, thủ trưởng đơn vị, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Gặp ông Chí, hai bác cháu mừng lắm. Ông Khai hỏi: – Cháu Đông con đồng chí Bùi Văn Tỉu, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, quê xã Đại Lộc, huyện Can Lộc có nguyện vọng đi tìm mộ bố, ông có biết đồng chí Tỉu hi sinh ở chỗ nào không? Ông Chí bảo: – Đồng chí Tỉu hi sinh ở Khe Rúc, Lộc Tân. Hơn 30 năm mới gặp lại, ông Chí cùng ông Khai ngồi ôn lại những kỉ niệm chiến trường. Ông Chí nói hồi đó ông làm Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn, đơn vị có 2.665 cán bộ, chiến sĩ, nay không biết có còn được 100 người không. Hi sinh nhiều quá, trong đó có 4 cán bộ trung đoàn, 32 cán bộ tiểu đoàn. Riêng Hà Tĩnh hi sinh 1 cán bộ Trung đoàn, 12 cán bộ Tiểu đoàn, 16 cán bộ Đại đội.
Lần thứ 2 về lại chiến trường, ông Khải đưa cháu Đông đi tìm mộ đồng chí Tỉu, cùng 2 con đồng chí Tiến là cháu Nam và cháu Anh vào đưa cốt bố về. Đến Khe Rúc tìm mộ đồng chí Tỉu không được. Ra nghĩa trang xã tìm xem họ có quy tập về đây không. Đang đi thì một phụ nữ giơ tay vẫy gọi, hỏi ông và các cháu có phải đi tìm mộ liệt sĩ không? Ông Khai nói: – Chúng tôi đi tìm mộ đồng chí Bùi Văn Tỉu quê ở Hà Tĩnh, hi sinh tại Khe Rúc. Không biết có quy tập về nghĩa trang không? Người phụ nữ bảo: – Bố tôi cũng hi sinh ở Khe Rúc. Nghĩa trang ở đây có 1.321 ngôi mộ, tôi thuộc như trong lòng bàn tay. Mộ của đồng chí Bùi Văn Tỉu quê Hà Tĩnh không có. Khe Rúc là cửa ngõ lên xuống của quân ta hồi chiến tranh nên bom đạn cày đi xới lại, hi sinh ở đây không biết bao nhiêu người.
Tìm ở nghĩa trang không thấy mộ đồng chí Tỉu, cả đoàn quay về bốc mộ đồng chí Phạm Hồng Tiến. Khi đào xuống, miếng dù hoa đắp cho đồng chí đã gần 40 năm không mục nát. Theo yêu cầu của cán bộ địa phương, gia đình để đồng chí Tiến ở lại một hôm cho bà con đến thắp hương, tiễn đưa đồng chí về quê nhà. Được tin, người dân trong xã về thắp hương rất đông.
Trở lại chiến trường lần thứ 3, ông tìm được mộ đồng chí Trần Thăng Long ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, hi sinh ở chợ Hà Nha, xã Đại Đồng. Trở lại chiến trường lần thứ 4 tìm được mộ đồng chí Nguyễn Thanh Hà quê xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đồng chí Hà chính trị viên Đại đội cối 82 li, tháng 7/1968 đơn vị bao vây quận lị Thượng Đức. Đại đội đồng chí Hà có nhiệm vụ bắn khống chế quân địch ở đồn Hà Sống. Pháo địch từ Ái Nghĩa bắn lên, đồng chí cùng một khẩu đội hi sinh. Lần thứ 5, tháng 12/2013 ông tìm được mộ đồng chí Phạm Minh Khải quê ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, hi sinh tại Dốc Gió, xã Đại Chánh.
Sắp tới, ông Khai về lại chiến trường xưa tìm mộ đồng chí Nguyễn Văn Được quê Thanh Hóa, Đinh Văn Lại quê xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ba đồng chí hi sinh ở gò Bà Trương, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc và các chiến sĩ hi sinh ở rừng Ranh, huyện Đại Lộc.
Ông Vương Khả Khai với đồng trợ cấp bệnh binh ít ỏi, nhưng chi tiêu dành dụm để trang trải chi phí đi tìm đồng đội với tiếng gọi của trái tim và tình cảm thiêng liêng, thật đáng khâm phục. Việc làm cao cả của ông được nhiều gia đình liệt sĩ cảm ơn, kính nể. Nhưng đáng tiếc chính quyền địa phương các cấp ở Hà Tĩnh chưa một lần động viên, khen thưởng
Hoàng Vũ
Từ khoá : căn hộ flemington
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét