Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

MTTQ TP. Hà Nội: Cùng cả nước phát huysức mạnh khối Đại đoàn kết

Thăng Long-Hà Nội đang bước sang năm thứ 1004. Nếu coi 1000 năm là một chu kỳ, thì năm thứ 1004 là một chu kỳ mới. Chu kỳ mới của Hà Nội đang ẩn chứa trong đó nhiều dòng chảy bất tận nhưng cũng đầy thách thức. Đặc biệt là công tác xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân của đội ngũ cán bộ Mặt trận. Trong không khí chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ TP. Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2014 - 2019), Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội Đào Văn Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết.

MTTQ TP. Hà Nội: Cùng cả nước phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết - 2014_177_6_a4.jpg
Trung tâm TP. Hà Nội nhìn từ trên cao
Ảnh: Dương Vi Khoa

Mặt trận gợi ý, còn việc bàn và quyết định là dành cho dân

PV: Thưa ông, với tinh thần phát huy "Dân chủ, trí tuệ, đổi mới; xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", phải chăng, Đại hội MTTQ TP. Hà Nội lần này đã thể hiện sự quyết tâm cao độ của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận Thủ đô trước một giai đoạn mới, một thời kỳ mới?

MTTQ TP. Hà Nội: Cùng cả nước phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết - 2014_177_6_a2.jpg
Ông Đào Văn Bình: Đúng vậy, giai đoạn mới ở đây được hiểu khi vai trò của Mặt trận đã được Hiến pháp 2013 hiến định chức năng "đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp ". Việc Bộ Chính trị ban hành 2 Quyết định về giám sát và phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên cũng mở ra một thời kỳ mới để đội ngũ những người làm công tác Mặt trận của Hà Nội cũng như cả nước cùng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những điểm quan trọng để xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân là phát huy dân chủ. Đoàn kết mà không dân chủ thì không thể đoàn kết thực sự. Trong thời gian qua, MTTQ Hà Nội đã coi trọng việc phát huy dân chủ như thế nào?

- Ban Thường trực UBMTTQ TP. Hà Nội luôn coi trọng việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Trong đó, MTTQ đã đề xuất, phối hợp với chính quyền tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Trước đây có nhiều hội nghị, hội nghị nào cũng quán triệt từ quận xuống phường, từ phường về các khu dân cư kéo theo đủ thứ văn bản quyết định dân phải làm cái này, cái khác, thì nay, MTTQ phối hợp với UBND thành phố đứng ra tổ chức hội nghị dân bàn với chủ trương chỉ gợi ý, còn việc bàn và quyết định là dành cho người dân. Dân chủ chính là đây. Vì xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phải để dân quyết định. Đứng ở khía cạnh là một công dân của Hà Nội, tôi cũng đã từng được dự nhiều hội nghị nhưng chẳng đâu có không khí cảm động như ở Hội nghị đại biểu nhân dân, ở đó tập hợp tiếng nói từ các tầng lớp trong dân để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Chính điều đó đã giúp CVĐ: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của Hà Nội được phát triển sâu rộng. Kết quả xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa tăng từng năm.

Không thể xây dựng khối Đại đoàn kết nếu cán bộ Mặt trận không gần dân, hiểu dân

Trong 5 năm qua, có 6.338.165 lượt gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 87,2%). Có 10.890 lượt thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Quỹ "Vì người nghèo" 3 cấp đã vận động được hơn 177 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 14.756 nhà với số tiền trị giá 96 tỷ 788 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 15.131 gia đình với số tiền 11 tỷ 371 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 6.218 lượt người với số tiền 8 tỷ 291 triệu đồng; hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn là 20.310 lượt với số tiền 5 tỷ 375 triệu đồng. CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đưa 1.410 chuyến hàng về KDC… UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cùng với chính quyền vận động nhân dân tự nguyện hiến 4.262.508m2 đất thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới".
Thưa ông, UBMTTQ TP. Hà Nội đã kết thúc một nhiệm kỳ được xem là có nhiều thành công. Song hành với nhiệm kỳ này là quá trình hơn 5 năm Hà Nội sáp nhập và mở rộng. Theo ước tính, Hà Nội hiện có dân số hơn 7 triệu người và có một kết cấu dân cư vô cùng đặc biệt. Trong đó tập trung đông đảo lực lượng trí thức, doanh nhân, lực lượng công nhân dồi dào, lực lượng tôn giáo đa dạng... Vậy làm thế nào để đội ngũ cán bộ Mặt trận Hà Nội thực hiện được nhiệm vụ của mình trong một cấu trúc đặc biệt như thế?

- Với cấu trúc đặc biệt, những thành phần tiêu biểu đủ nói lên trình độ dân trí của Hà Nội khác với những nơi khác. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận phải làm thế nào để công tác vận động quần chúng nâng cao hơn một bậc. Chỉ đơn cử chuyện ứng xử. Khi xuống với dân, tiếp xúc với dân mà "ông Mặt trận" lại ăn nói trịch thượng là không ổn. Có thể vẻ ngoài người dân vẫn làm theo đấy, nhưng họ không thuận trong lòng. Điều đó không bền vững. Và chúng ta cũng hiểu, không thể xây dựng một khối Đại đoàn kết toàn dân bằng những lời kêu gọi, những khẩu hiệu qua văn bản nếu như không thông qua các phong trào cách mạng của nhân dân, nếu như cán bộ Mặt trận không gần dân, hiểu dân. Do đó, cán bộ Mặt trận là người luôn luôn phải lắng nghe. Công việc của người làm Mặt trận khi về tới khu dân cư là phải trao đổi bàn bạc, chứ không phải bằng phương pháp cấp trên làm việc với cấp dưới.

Mở rộng Hà Nội là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì "chiếc áo" Thủ đô mặc đã chật, cần có không gian, diện tích, nguồn lực. Hà Nội mở rộng nhưng quỹ đất của Hà Nội không thừa thãi, bởi vậy phong trào "Tang văn minh tiến bộ'' vận động nhân dân hỏa táng khi có người thân qua đời do Mặt trận Hà Nội phát động dựa trên Chỉ thị 11 của Thành ủy được xem là một sáng kiến rất sáng tạo vừa góp phần gìn giữ quỹ đất của thành phố, đồng thời làm cho môi trường được trong sạch... Ban đầu để thực hiện việc này chúng tôi vấp phải vô vàn khó khăn, bởi đã chạm tới một sinh hoạt tâm linh ở cộng đồng vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ từ hàng ngàn đời nay của người Việt Nam: người chết thì phải mai táng chứ không hỏa táng. Nhưng nếu không làm, thì cứ với đà dân số ngày một tăng, quỹ đất sẽ hẹp lại, đặc biệt việc mai táng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Chúng tôi quyết tâm triển khai bằng cách đưa những người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư ấy- chỉ có họ mới là những người gần dân, hiểu dân nhất để thuyết phục tuyên truyền. Các tổ chức tôn giáo cũng vào cuộc rất tích cực, đặc biệt là Phật giáo. Đồng thời, đi kèm với đó là có nhiều giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính. Cụ thể, khi thành phố hỗ trợ mỗi 1 ca hỏa táng là 4 triệu đồng, về đến quận, huyện tiếp tục được hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu đồng/ca, đặc biệt có huyện Sóc Sơn là 5 triệu đồng/ca.

Ý nghĩa đúng đắn từ một phong trào cũng như sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của các cấp, các tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Năm 2013, nhiều quận, huyện có tỷ lệ hỏa táng cao như: Quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Huyện Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm…Tiêu biểu như thôn Vệ ở xã Nam Hồng; thôn Đỗ Khê, Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh 100% người chết được đưa đi hỏa táng.

Các cuộc vận động đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân

Để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhiệm kỳ qua MTTQ TP. Hà Nội đã phối hợp với trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức 25 lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác Mặt trận, thanh tra nhân dân với 4.385 lượt học viên. MTTQ các quận, huyện, thị xã cũng phối hợp với trung tâm bồi dưỡng chính trị cùng cấp tổ chức 615 lớp với gần 62 nghìn lượt học viên.
Với tinh thần quyết tâm ấy, 5 năm qua hẳn còn nhiều điểm nhấn từ các CVĐ, phong trào, thưa ông?

- Có thể nói, các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ của Mặt trận phát động đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Điển hình như CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Sau gần 5 năm thực hiện, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tác động tích cực đến toàn xã hội, làm thay đổi nhận thức của nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy hàng Việt phát triển đáp ứng nhu cầu người dân. Trước ��ó, UBMTTQ Hà Nội đã phát hành nhiều bộ tài liệu liên quan đến việc tuyên truyền. Cụ thể, từ năm 2013, bản tin nội bộ của Thành ủy hàng tháng đều có bài tuyên truyền về CVĐ và phát hành đến tận tay mỗi đảng viên ở khu dân cư để tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân. Quỹ "Vì người nghèo" cũng có nhiều biện pháp, hình thức để làm tốt như phối hợp với UBND, Ban Thi đua- Khen thưởng thành phố để vinh danh các cá nhân, tập thể tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam…Qua đó, đã thu về một số tiền khá lớn góp phần cùng với thành phố xây nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo.

Được biết, từ Quỹ "Vì người nghèo", 5 năm qua, MTTQ TP. Hà Nội đã hỗ trợ và xây dựng được hàng ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm về việc này?

- Xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo là phải "xây" bằng tổng lực. Phối hợp các nguồn quỹ từ 3 cấp: thành phố, quận, huyện, xã, phường, dòng họ, rồi của bản thân gia đình cùng góp lại để xây dựng nên. Nhưng Mặt trận chính là viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho vấn đề này. Trong 5 năm qua, Quỹ "Vì người nghèo" 3 cấp của Hà Nội đã vận động được 177 tỷ 262 triệu đồng; hỗ trợ, sửa chữa được 14.756 căn nhà với số tiền 96 tỷ 788 triệu đồng; tạo vốn sản xuất cho 15.131 hộ gia đình... Những con số này đã nói lên sự nỗ lực của mỗi một cán bộ Mặt trận đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của toàn thành phố.

Kiến nghị thu hồi 64 tỷ đồng và 1.003.883m2 đất

Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước có quy chế phối hợp trong việc giám sát phản biện. Vậy đến nay, công việc đã tiến hành tới đâu, đặc biệt khi Bộ Chính trị đã ban hành 2 Quyết định 217, 218, thưa ông?

5 năm qua, MTTQ các cấp TP. Hà Nội đã được Nhà nước trao tặng 25 huân chương các loại, 888 cờ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯMTTQ Việt Nam, Thành ủy, UBND Thành phố, 428 kỷ niệm chương của UBTƯMTTQ Việt Nam. MTTQ Thành phố đã tặng 2.788 bằng khen cho các tập thể, cá nhân. UBMTTQ Thành phố vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và 5 năm liền nhận cờ Đơn vị thi đua xuất sắc và xuất sắc toàn diện của UBTƯMTTQ Việt Nam và UBND TP. Hà Nội; năm 2010, 2011 được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
- Giám sát phản biện không phải là việc mới, nhưng rõ ràng là việc khó. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Trước khi UBMTTQ TP. Hà Nội ra quy chế đó, ông Phạm Xuân Hằng- nguyên Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội đã có đề tài nghiên cứu khoa học về việc này để cho thấy đây là bước đi rất bài bản. Và thực sự Hà Nội đã làm được, không chỉ dừng lại ở cấp thành phố mà cuối năm 2012 đã triển khai đến 30 quận, huyện. Cho đến nay, 16 quận, huyện còn lại cũng đã triển khai được. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp TP. Hà Nội đã kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi 64 tỷ đồng cùng 1.003.883m2 đất qua 53.662 cuộc thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng.

Có thể nói, việc Hà Nội kiến nghị thu hồi 64 tỷ đồng cùng hơn 1 triệu m2 đất là một trong nhiều kết quả nổi bật của MTTQ TP. Hà Nội, thể hiện vai trò là "tai mắt", đồng thời là cầu nối giữa Đảng với dân trong hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng và thanh tra nhân dân. Kinh nghiệm được rút ra sau những hoạt động hiệu quả này là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, đó chính là việc MTTQ các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên. Vì công tác Mặt trận muốn đạt chất lượng, hiệu quả cao phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Trong xu hướng dân chủ hiện nay, giám sát phản biện phải được xem là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức Đảng và các cơ quan Nhà nước. Phải nhận thức đây là việc làm có lợi cho Đảng, cho Nhà nước để phát huy sức mạnh nhân dân xây dựng chính quyền.

Trong giám sát phản biện, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề: "Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng", nhằm trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về các hoạt động giám sát của cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng những công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được thi công trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, đối với công tác tuyên truyền, Hà Nội cũng học tập mô hình của Trung ương là có một ký kết liên tịch với Ban Tuyên giáo Thành ủy để tuyên truyền cho hoạt động của Mặt trận. Qua ký kết của thành phố, các quận, huyện cũng theo nếp đó nên công tác tuyên truyền có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tham gia lấy ý kiến, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân luôn được Ban Thường trực UBMTTQ thành phố quan tâm. Để Mặt trận thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tọa đàm ''Nâng cao hiệu quả công tác dư luận xã hội trên địa bàn Thủ đô", công tác giao ban dư luận xã hội được duy trì định kỳ hàng tháng. Qua đó, giúp lãnh đạo thành phố nắm bắt được tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, xem người dân suy nghĩ gì để có những quyết sách phù hợp. Đồng thuận xã hội sẽ được nhân lên từ những việc làm cụ thể như thế.

Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết là sứ mệnh trong mọi thời điểm

Hà Nội là trái tim của cả nước. Cả nước vì Hà Nội. Hà Nội vì cả nước. Để xứng đáng với vị trí đầu tàu này, theo ông, trong thời gian tới, công tác Mặt trận của Thủ đô cần chú trọng thêm những việc gì, nhất là trong thời điểm Biển Đông đang căng thẳng như hiện nay?

- Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc là sứ mệnh của Mặt trận trong mọi thời điểm. Trong giai đoạn hiện nay càng phải chú trọng việc này. Đặc biệt, phải làm thế nào để nhân dân các nước trong khu vực và thế giới hiểu được đất nước, con người Thủ đô Hà Nội để họ có những đánh giá đúng về mình và có sự ủng hộ. Hiện, MTTQ TP. Hà Nội đã thành lập các chi hội hữu nghị tại một số địa bàn để những người có kinh nghiệm, những người từng học tập, chiến đấu ở các nước bạn như Lào, Campuchia nhận các lưu học sinh, sinh viên về sinh hoạt cùng gia đình trong d���p ngày lễ, tết…Từ đó tạo sự hiểu biết, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước với nhân dân Việt Nam.

Với tinh thần "Dân chủ, đoàn kết, trí tuệ đổi mới và phát triển" Mặt trận Hà Nội sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của TP. Hà Nội, cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Dạ Yến (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét