Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Mất quyền lợi vì cái biên bản

GiadinhNet - Trên đường đi làm, bị tai nạn nhưng vì ở vùng sâu, vùng xa, vì phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu cho kịp thời nên không thể lập biên bản, người lao động cũng có thể mất chế độ.

Mất quyền lợi vì cái biên bản 1

Nhiều lao động mất quyền lợi về bảo hiểm khi bị tai nạn hoặc thất nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cả mấy năm trời đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng cái "tháng liền kề" mà "quên" hoặc không thể đóng, người thất nghiệp sẽ mất đứt quyền lợi...

Mất chế độ do thiếu... biên bản

Theo Bộ LĐ, TB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ), mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) sẽ được hưởng các chi phí về y tế, tiền lương trong quá trình điều trị và tiền bồi thường từ chủ sử dụng lao động. Lao động bị TNLĐ, BNN suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên được hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần, trường hợp suy giảm từ 31% trở lên thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.         Người lao động bị chết do TNLĐ-BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp bằng 36 tháng lương tối thiểu chung, hưởng chế độ tử tuất theo quy định...

Tuy nhiên, trên thực tế, hàng loạt các bất cập đã nảy sinh khiến người lao động không được hưởng hay biết cụ thể quyền lợi của mình trong các trường hợp không may bị tai nạn. Thực tế này khiến cơ quan bảo hiểm không hoặc giải quyết mỗi nơi một phách. Các trường hợp "khó xử" phát sinh từ thực tiễn gồm: Lao động tham gia phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ, thăm người ốm, viếng...do đơn vị tổ chức, tham gia giao lưu với đơn vị khác hoặc được cơ quan đơn vị cử đi mà bị tai nạn; Lao động bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc nhưng không thực hiện công việc được phân công hàng ngày; Lao động bị tai nạn trong giờ, tại nơi làm việc hoặc trên đường đi công tác nguyên nhân do bệnh lý hoặc do sử dụng chất kích thích, say rượu, bia hoặc xích mích cá nhân...

Các trường hợp khác được coi là TNLĐ, thủ tục hồ sơ làm cơ sở xét hưởng chế độ BHXH chưa có quy định cụ thể. Trong đó, điển hình là là trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi làm ở nơi vùng sâu, xa không gần nơi dân cư, trụ sở công an, trường hợp tai nạn cần cấp cứu ngay hoặc tại lúc bị tai nạn thì bình thường, sau đó mới phát hiện bị thương... Thông thường số trường hợp này khi xảy ra tai nạn không được lập biên bản nên người lao động không đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định.

Chủ "quên", nhân viên "chết"

Người lao động bị mất việc cũng đang đứng trước nguy cơ nằm ngoài diện "phủ sóng" của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân là do quy định "tháng liền kề" đóng bảo hiểm tự nguyện trong Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐ, TBXH ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 32/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm tự nguyện.

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, Luật BHXH có quy định người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải là người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp, đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH, chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp... Đây là những quy định mang tính chất chung chung. Mới đây, thông tư 04 lại giải thích bổ sung thêm phần "đang đóng bảo hiểm thất nghiệp" nhưng phải "có tháng liền kề" đóng bảo hiểm tự nguyện khiến không ít lao động khốn khổ, mất quyền lợi dù đã có thời gian dài đóng loại bảo hiểm này.

Thực tế tại các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ, TB&XH địa phương, nơi tiếp nhận đăng ký và giải quyết bảo hiểm tự nguyện cho thấy có hàng "tá" nguyên nhân khiến người lao động không được đóng bảo hiểm tự nguyện tháng liền kề. Chị Trần Thị Dung, nhân viên công ty bất động sản có trụ sở tại Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, trước đây các chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động trong đó có bảo hiểm tự nguyện được chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, sau vài năm cầm cự, thời gian gần đây đến lương nhân viên công ty còn phải "khất nợ". Khi trả được số tiền nợ lương thì công ty phá sản và đương nhiên, nhiều tháng công ty không đóng bảo hiểm tự nguyện. Khi chị đi đăng ký để hưởng bảo hiểm tự nguyện thì mới biết mình đã "bị loại từ vòng gửi xe" vì không đáp ứng tiêu chí "tháng liền kề". Như vậy, trong nhiều năm liền đóng bảo hiểm tự nguyện, tới nay mất việc thật thì tôi và nhiều người khác lại không được hưởng" - chị Dung băn khoăn.

Theo quy định mới nêu trên sẽ có một lượng không nhỏ lao động trong các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH... và lao động ở các loại hình doanh nghiệp đặc thù mất quyền lợi khi rơi vào cảnh thất nghiệp.

 

Minh Anh

Từ khoá: bảo hiểm tự nguyện nhân viên bảo hiểm xã hội tai nạn việc làm người lao động bảo hiểm thất nghiệp luật bảo hiểm xã hội bệnh nghề nghiệp công ty bảo hiểm quyền lợi quy định luật bảo hiểm tai nạn lao động trợ cấp chính sách bảo hiểm thông tư tnlđ bão chấm dứt hợp đồng đồng bảo hiểm tự nguyện doanh nghiệp bhxh lao động bất động sản tiền bồi thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét