Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Vợ sinh con, chồng có thể được trợ cấp

Cụ thể, đề xuất sửa luật lần này đưa ra nhiều ưu đãi trong chế độ thai sản. Chẳng hạn cho cha được nghỉ việc có hưởng bảo hiểm từ năm đến bảy ngày tùy trường hợp mẹ sinh con thường hay sinh mổ. Lao động nữ phải nghỉ việc do khó khăn mang thai, không đóng đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) 6/12 tháng trước khi sinh con thì khi sinh vẫn được hưởng chế độ thai sản. Đáng chú ý, trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH thì sẽ được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương khi vợ sinh con.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Lý giải cho đề xuất này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số, nếu tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì sẽ thiếu hụt lao động. Mặt khác, tuổi hưu 60 với nam, 55 với nữ có phần lãng phí bởi kinh tế phát triển, dinh dưỡng tốt thì tuổi này vẫn còn lao động được. Chưa kể, không điều chỉnh tăng thì quỹ BHXH sẽ sớm mất cân đối khả năng chi trả.

Về giải pháp, tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ và địa phương cho thấy nghiêng theo hướng điều chỉnh ngay từ năm 2016. Theo đó, điều kiện về tuổi để được nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng mỗi năm thêm bốn tháng tuổi, cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Với đối tượng là lực lượng vũ trang đang áp dụng tuổi nghỉ hưu riêng theo luật chuyên ngành thì lộ trình này sẽ được áp dụng trễ hơn, kể từ 2020. Với cách làm ấy, tuổi tham gia lao động sẽ được kéo dài dần dần, không ảnh hưởng lớn đến việc làm của lao động trẻ.

Theo đề xuất, chế độ thai sản của phụ nữ hưởng được nhiều ưu đãi. Ảnh minh họa: HTD

Một vấn đề khác được đề xuất sửa đổi lần này là mức lương đóng BHXH. Hiện tại, mức lương tính làm cơ sở đóng BHXH đang thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Để khắc phục, dự thảo luật sửa đổi đề xuất lương cơ sở gồm lương và "phụ cấp lương" ghi trên hợp đồng lao động hoặc gồm cả "các khoản bổ sung khác" ghi trên hợp đồng.

Mở rộng điều kiện sở hữu nhà cho người nước ngoài

Cũng trong buổi họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo dự án sửa đổi Luật Nhà ở. Trong nhiều nội dung được đưa ra, đáng chú ý là sẽ mở rộng đối tượng, điều kiện để Việt kiều và tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở. Tham gia ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng dự thảo chưa mở ra nhiều cơ hội cho người nước ngoài.

"Chúng ta cần thay đổi tư duy. Nhà, đất vẫn đó, họ có mang được ra khỏi Việt Nam đâu mà hạn chế sở hữu. Quy định được cho, tặng nhưng thực tế là lách hết. Mua, đầu tư chứ ai mà cho, tặng cả cái nhà" - ông nói.

Phân tích về nhu cầu, ông Vinh cho biết chỉ riêng người Hàn Quốc ở Việt Nam đã tới 130.000, có nhu cầu rất lớn về sở hữu nhà ở nhưng vì quy định của ta rất khắt khe mà họ phải đi thuê mướn, phải gian dối để trốn thuế. Trong khi đó, bất động sản tồn đọng chủ yếu là căn hộ trung - cao cấp, phù hợp với đối tượng này. Nếu nới chính sách ra thì sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản đang trầm lắng mấy năm nay.

Tham gia ý kiến cá nhân vào nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị nới điều kiện mua bán, sở hữu nhà cho người nước ngoài thêm nữa. "Singapore rất đơn giản. Cứ nhập cảnh vào là mua nhà thoải mái nhưng thủ tục thuế rất chặt chẽ. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo" - người đứng đầu Chính phủ nói.

Không có Luật Tiếp cận thông tin là không được!

Theo dự thảo kế hoạch thi hành Hiến pháp của Chính phủ, tất cả bộ, ngành, tỉnh, thành sẽ phải rà soát các văn bản hiện hành, kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp mới. Trong số này, ngoài các luật về tổ chức bộ máy, nhiều luật liên quan tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi.

Góp ý cho kế hoạch, Thủ tướng đề nghị các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng các dự luật an toàn thông tin, tiếp cận thông tin và sửa Luật Báo chí. Trong đó, hai luật tiếp cận thông tin và báo chí từng được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa trước nhưng ra bàn cụ thể thì vẫn còn ý kiến khác nhau nên nay vẫn còn dang dở.

"Thời đại thế này, không có Luật Tiếp cận thông tin không được đâu. Quyền được thông tin đã được hiến định rồi, giờ phải quy định cụ thể cái gì đáng mật thì mật và mật thì cũng phải có thời hạn giải mật. Quy định rõ ra, ai vi phạm thì xử lý nghiêm. Xã hội càng minh bạch càng tốt" - Thủ tướng nhấn mạnh.

NGHĨA NHÂN

Từ khoá: quy định dự thảo bảo hiểm xã hội chính phủ người lao động bão kế hoạch nguyễn tấn dũng thủ tướng việt nam bất động sản bhxh lao động xây dựng xử lý nghiêm gia thai sản thông tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét