Nhiều người lao động vẫn chưa được tham gia BHXH với mức lương thực nhận. Ảnh: Việt Lâm
Ông Trần Văn Minh - Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ - cho biết, về mặt khách quan, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng BHXH kéo dài của các doanh nghiệp (DN) là do tình hình kinh tế khó khăn chung, các DN làm ăn khó khăn, thua lỗ. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, người lao động (NLĐ) "bắt tay" DN để trốn đóng BHXH.
"Bắt tay" trốn đóng BHXH
Theo quy định của pháp luật, tỉ lệ đóng BHXH (gồm cả BHXH, BHYT, BHTN, và được thu chung một lần) từ tháng 1.2012 đến 12.2013 đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) lần lượt là: 17%, 3% và 1% của quỹ tiền lương. Đối với NLĐ, tỉ lệ này là 7%, 1,5% và 1% mức lương theo HĐLĐ. Tổng cộng, tỉ lệ tham gia BHXH của cả NSDLĐ và NLĐ là 30,5% so với tổng số tiền lương. Đây là một số tiền không nhỏ với cả NLĐ và NSDLĐ hàng tháng, nhưng so với lợi ích lâu dài của NLĐ và cả xã hội, thì số tiền trên cũng vẫn không phải là lớn.
Tuy nhiên, có thực trạng đáng buồn, do những toan tính trước mắt, có không ít NLĐ lại thỏa thuận với DN trốn đóng BHXH, gây thiệt hại cho chính mình. Đơn cử như trường hợp ở Cty TNHH may công nghiệp Bắc Cạn, năm 2009 đã xảy ra việc NLĐ làm đơn xin... không tham gia BHXH. Chỉ đến khi LĐLĐ tỉnh và Sở LĐTBXH phối hợp kiểm tra, nhắc nhở thì NLĐ mới hiểu làm vậy là đang tự tước bỏ quyền lợi của mình và họ mới yêu cầu DN đóng đủ tiền BHXH.
Hay như trường hợp tại Cty cổ phần muối và thương mại Tiền Giang, có CN làm việc gần 14 năm nhưng không được tham gia BHXH, chỉ đến khi bị tai nạn LĐ chết, thì giám đốc DN này mới cho biết "không tham gia BHXH là có lý do và được NLĐ đồng ý!". Và đến khi xảy ra sự cố, thay vì được Quỹ BHXH chi trả, Cty cổ phần muối và thương mại Tiền Giang đã phải "oằn lưng" trả trước cho gia đình nạn nhân hơn 100 triệu đồng.
Nhưng chưa hết, không chỉ riêng NLĐ xấu số này, còn nhiều người khác đã làm việc rất lâu năm ở đây cũng chưa được tham gia BHXH. Trong khi đó, ông Đào Công Thành - Giám đốc Cty muối Tiền Giang - lại cho rằng, cuối năm nay sẽ sắp xếp lại để có bộ phận CN "chính quy" và họ sẽ được tham gia BHXH. Điều đáng nói, tình trạng như Cty cổ phần muối và thương mại Tiền Giang không phải hiếm, chỉ có điều đã được phát lộ ra chưa hay thôi.
Lợi trước mắt mà hại lâu dài
Ngoài ra, cũng có một thực tế, vì pháp luật hiện hành quy định căn cứ để thu BHXH là mức lương ghi trong HĐLĐ, nên DN "chẻ" thu nhập của NLĐ ra thành nhiều khoản trợ cấp khác nhau, để lách một phần số tiền phải tham gia BHXH. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, tại nhiều DN ở ĐBSCL, tiền lương của NLĐ trong HĐLĐ và tiền lương thực lãnh của họ có sự chênh lệch rất lớn.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Trưởng ban Chính sách Pháp luật - LĐLĐ TP.Cần Thơ - cho biết, hiện nhiều NLĐ thu nhập hằng tháng từ 4-5 triệu đồng, tuy nhiên, trong HĐLĐ của họ với DN chỉ ghi mức lương khoảng 2,3-2,4 triệu đồng/tháng, nên DN chỉ tham gia BHXH ở mức này, và NLĐ cũng đồng ý.
Tình trạng này xảy ra không chỉ ở riêng Cần Thơ mà hầu như phổ biến khắp cả nước, đặc biệt là những DN sử dụng đông LĐ trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy - hải sản, chế biến gỗ... Trường hợp này, do nhận thức hạn chế, nên NLĐ chỉ thấy lợi trước mắt mà không tính đến những hậu quả về lâu dài hay khi xảy ra sự cố cần trợ cấp từ BHXH.
Chính vì đóng BHXH thấp, nên khi NLĐ ốm đau, nghỉ hưởng chế độ thai sản, hưu trí... sẽ chỉ được nhận mức trợ cấp ở mức thấp, nên đời sống càng khó khăn.
Luật gia Trần Phi Đại - Cty luật Thiện Việt (TPHCM) - phân tích: "Khi NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận để không phải đóng BHXH là thỏa thuận trái pháp luật. Nếu bị phát hiện thì thỏa thuận này sẽ vô hiệu, lúc này cả NLĐ và NSDLĐ đều phải truy đóng BHXH. Còn nếu thỏa thuận đóng BHXH ở mức thấp thì NLĐ chịu thiệt là chính. Bởi lẽ, trong tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc hằng tháng, NLĐ chỉ phải bỏ ra chưa đến 1/3, 2/3 còn lại là nghĩa vụ của NSDLĐ. Không tham gia BHXH theo đúng thu nhập thực tế của mình, NLĐ tự đánh mất đi nhiều quyền lợi mà đáng lẽ họ sẽ được hưởng nếu đóng đủ".
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét