Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

"Trị" đơn thuốc quá liều: Loay hoay tìm giải pháp

(HNM) - Thực trạng những đơn thuốc được kê quá liều, kê không hợp lý cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Tại hội thảo "Quản lý thuốc trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT" diễn ra ngày 22-10, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp cải thiện việc kê đơn sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn, hiệu quả và tránh lãng phí.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), trong cơ cấu chi phí BHYT ở nước ta, chi phí về thuốc chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 60% tổng số tiền chi trả cho KCB BHYT. Tuy nhiên, công tác quản lý cung ứng và lựa chọn sử dụng thuốc đang tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, thị trường thuốc Việt Nam với trên 22.000 loại thuốc đang lưu hành chưa được quản lý chặt chẽ. Công tác đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập, giá thuốc vẫn còn có sự chênh lệch lớn ngay trên cùng một địa bàn và giữa các tỉnh, thành phố. Qua quá trình thanh toán BHYT trong năm 2012, 2013 cho thấy, có 5 loại thuốc dễ bị sử dụng tràn lan, đó là thuốc Glutathion, Gingko biloba, Glucosamin, Arginin, L-Ornithin-L Aspartat. Thậm chí, những bệnh nhân đau lưng..., có bệnh viện cũng kê thuốc Arginin (thuốc điều trị hỗ trợ các bệnh lý về gan).

 

Bệnh nhân chờ mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý
Bệnh nhân chờ mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý

Trước thực trạng trên, ông Nghiêm Trần Dũng, Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) thẳng thắn cho rằng, không chỉ kê quá nhiều thuốc, mà có những đơn thuốc được kê không hợp lý. Chính cơ chế thanh toán hiện tại tách biệt việc sử dụng thuốc đã dẫn đến việc gia tăng chỉ định đối với các loại thuốc, nhất là việc lạm dụng những loại thuốc đắt tiền. Trong khi hiện nay, loại thuốc sản xuất trong nước, thuốc Generic (thuốc gốc) là thuốc tương đương sinh học với biệt dược về liều lượng, độ an toàn, nồng độ, tác dụng, cách dùng, chỉ định và giá thường rẻ hơn chưa được đẩy mạnh sử dụng một cách phổ biến.

Cũng đề cập đến việc quản lý thanh toán chi phí thuốc trong KCB BHYT, theo bà Nguyễn Hồng Vân, đại diện BHXH Việt Nam, chi phí thuốc ở nước ta có tỷ trọng tương đối lớn. BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát giá thuốc trúng thầu cho thấy, có những loại thuốc cùng loại nhưng có mức giá chênh lệch nhau khá cao. Đơn cử như thuốc Cephalexin 500mg do Việt Nam sản xuất có giá trúng thầu chỉ 800-900 đồng/viên, trong khi cũng loại thuốc này với hàm lượng 700mg lại có giá 2.800 đồng/viên. Đáng nói là tại các cơ sở KCB, loại thuốc Cephalexin 500mg được sử dụng phổ biến hơn loại thuốc Cephalexin 700mg. "Bài toán đặt ra là thay vì việc sử dụng những hàm lượng thuốc không phổ biến, nếu bệnh viện sử dụng những loại thuốc phổ biến sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lớn. Từ thực tế đó, giữa bảo hiểm và bệnh viện cần có sự phối hợp, rà soát xác định những thuốc phổ biến làm cơ sở thay thế những thuốc không phổ biến có giá thành cao bất hợp lý thì sẽ giúp công tác KCB bảo đảm mục tiêu chữa đúng người, đúng bệnh, đúng chi phí", bà Nguyễn Hồng Vân nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo về chính sách thuốc quốc gia, trong đó có đề cập đến chính sách thuốc thiết yếu, việc kê đơn chỉ định sử dụng thuốc Generic, sử dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn thuốc nói chung. Đặc biệt, trong chính sách mới này có đề cập tới danh mục thuốc BHYT và khẳng định sẽ lấy tiêu chí chất lượng, hiệu quả việc an toàn trong sử dụng, lựa chọn nhà sản xuất và cung ứng sao cho có chi phí thấp nhất, giá thuốc phù hợp nhất.

Ông Nghiêm Trần Dũng cũng cho rằng, tại các cơ sở KCB nên ưu tiên lựa chọn thuốc Generic và các thuốc sản xuất trong nước vừa bảo đảm hiệu quả chữa bệnh vừa tiết kiệm chi phí. Ngoài ra cũng cần đổi mới cơ chế thanh toán chi phí, KCB, hướng tới cơ chế thanh toán trọn gói, hạn chế việc thanh toán theo thực tế sử dụng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có những điều chỉnh Luật Đấu thầu thuốc để có những điều chỉnh phù hợp, trong đó quy định việc đấu thầu, thương thảo về giá thuốc trong cung ứng. Mặt khác, để cải thiện việc kê đơn sử dụng thuốc, tránh lãng phí, trong đó có việc xây dựng những phác đồ có hướng dẫn làm căn cứ để thực thi và giám sát, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị trong từng bệnh viện sao cho lựa chọn, chỉ định thuốc với mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả hơn.

 

Qua hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT ở nước ta, đến nay đã có hơn 60 triệu người, chiếm gần 70% dân số cả nước tham gia BHYT, trong đó có phần đông người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người nghỉ hưu, bảo trợ xã hội và các nhóm yếu thế. Việt Nam đã xác định lộ trình tiến tới BHYT toàn dân với mục tiêu bao phủ trên 80% dân số vào năm 2020.

Từ khoá: chi phí bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội việt nam thanh toán lựa chọn việt nam bhxh gia khám chữa bệnh bệnh viện bão năm sản xuất bảo hiểm hiệu quả vụ bảo hiểm chính sách an toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét