Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Khi chính sách ưu đãi bị lợi dụng

(HNM) - Cứ vào dịp tháng 10 hằng năm, các thôn, làng, cụm dân cư lại tiến hành rà soát đánh giá và bình xét hộ nghèo. Là việc bình thường song ở nhiều địa phương lại trở thành đề tài nóng bỏng, làm đau đầu chính quyền sở tại. Nhiều hộ thể hiện rõ quyết tâm "bám trụ" hộ nghèo. Một số hộ không được vào đối tượng hộ nghèo thì bức xúc, kiến nghị...

Quyết tâm "bám trụ" hộ nghèo

Đến xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, chúng tôi bất ngờ khi nghe những câu chuyện hài hước về tình trạng có hộ "đấu tranh" quyết liệt để được tiếp tục là hộ nghèo và quyết không thừa nhận thoát nghèo. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Hữu Thắng, người thì kiên quyết không nhận việc làm do các tổ chức, đoàn thể bố trí để có nguồn thu nhập ổn định thoát nghèo; không ít hộ khi biết tin Tiểu ban rà soát hộ nghèo của thôn đến nhà kiểm tra thì vội mang hết tài sản có giá trị như ti vi, xe máy... đi giấu. Ở Canh Nậu, mặc dù hầu hết người dân đều có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề mộc, nghề xây dựng và làm dịch vụ, tuy nhiên, do Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo nên nhiều hộ không muốn thoát nghèo, bởi sẽ mất đi nhiều quyền lợi.

 

Có nghề phụ với thu nhập ổn định nhưng nhiều hộ vẫn không muốn
Có nghề phụ với thu nhập ổn định nhưng nhiều hộ vẫn không muốn "thoát nghèo".

Theo chân cán bộ LĐ-TB&XH xã Canh Nậu, chúng tôi đến thăm gia đình anh T., ở thôn 2, đang là hộ nghèo "sang sổ" 14 năm nay trên địa bàn xã. Ngôi nhà 2 tầng khang trang có cả ti vi, tủ lạnh, bếp ga, bình nóng lạnh... thể hiện cuộc sống khá tươm tất. Anh T. cho hay, từ năm 1999 gia đình được công nhận hộ nghèo, được hưởng chế độ về bảo hiểm y tế, 3 con được miễn học phí, hỗ trợ tiền điện... nên cuộc sống gia đình đỡ khó khăn nhiều. Với thu nhập từ 2 sào ruộng và nghề làm hàng mã quanh năm, thu nhập ổn định. Chấm điểm hộ nghèo qua đánh giá tài sản, dự kiến năm 2013 hộ anh T. sẽ thoát nghèo. Tuy nhiên, ngay khi hay tin, anh T. đã bày tỏ nguyện vọng "tha thiết" chưa muốn thoát nghèo với lý do ngôi nhà 2 tầng này là họ hàng và anh em bạn bè giúp đỡ nên mới xây dựng được chứ thực chất gia đình vẫn rất khó khăn. Bản thân anh bị tàn tật, lại thêm bệnh sỏi thận nên thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị. Lý do anh quyết tâm "bám nghèo" 14 năm qua cũng chỉ vì tấm thẻ BHYT mà "danh hiệu" hộ nghèo đem lại. "Hầu như tháng nào tôi cũng phải đi khám bệnh, mất ít nhất 1 triệu đồng cả tiền khám và thuốc. Nếu không có BHYT của hộ nghèo thì gia đình không kham nổi vì một mình vợ tôi làm 2 sào ruộng lại nuôi 3 con nhỏ" - anh T. thẳng thắn chia sẻ.

Trở lại xã Hương Ngải - xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Thạch Thất, nơi cách đây ít lâu đã từng "dậy sóng" dư luận về chuyện địa phương xét cho người dân "thoát nghèo trên giấy", Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trần Vượng cho biết, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% theo tiêu chí NTM, xã đã có nhiều giải pháp giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo như bố trí việc làm thông qua các dịch vụ tại khu trồng rau sạch, tham gia tổ vệ sinh môi trường của xã, làm việc trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, dạy nghề... Đến nay, nhiều hộ đã tăng thu nhập, áp với chuẩn nghèo hiện nay của Hà Nội thì một số hộ sẽ thoát nghèo. Ví dụ như gia đình chị Trần Thị Huyền, thôn 2, là hộ nghèo lâu năm do có chồng bị tàn tật và nuôi 2 con nhỏ. Chị Huyền cho biết, từ đầu năm 2013, UBND xã đã tạo điều kiện cho chị làm việc trong tổ thu gom rác với mức lương hơn 500.000 đồng/tháng, cộng với việc canh tác 5 sào ruộng và chăn nuôi thêm nên giờ cuộc sống đã đỡ khó khăn hơn. Thế nhưng, chị Huyền cũng bày tỏ nguyện vọng chưa muốn thoát nghèo vì đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn!?

Người thực nghèo lại không được hưởng chính sách

Năm 2013, cả huyện Thạch Thất được thành phố giao chỉ tiêu giảm 800/2.314 hộ nghèo. Với nhiều giải pháp được triển khai, toàn huyện đã cấp được 7.522 thẻ BHYT cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; giao Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cho hộ nghèo vay vốn với số tiền 87 tỷ đồng; đẩy mạnh đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí học tập... Nhờ vậy, ước tính đến hết tháng 9-2013, toàn huyện giảm được 457 hộ, đưa hộ nghèo giảm xuống còn 3,84%. Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh, Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề nên đối với các hộ nghèo, chỉ cần có sức lao động là có thể kiếm được việc làm với thu nhập bảo đảm đời sống. Thế nên Canh Nậu là xã làng nghề mộc rất phát triển, số hộ giàu và khá luôn đứng đầu huyện nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng đang cao nhất, chiếm tới 5,7%. Nghịch lý này là do việc bình bầu hộ nghèo nhiều năm qua ở cơ sở vẫn còn những thiếu sót. Có tình trạng người lao động có việc làm và thu nhập nhưng chưa khai đúng, cũng có cả tình trạng nể nang nhau khi chấm điểm hộ nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ẩm thấp, chị Đàm Thị Thanh Loan, tổ 54 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy nghẹn ngào: Vợ chồng chị đều là lao động tự do, chồng ốm đau, bệnh tật liên miên, nuôi 2 con nhỏ ăn học, mọi chi phí, sinh hoạt của gia đình đều trông vào gánh hàng rong buổi chợ chiều của chị. Ngày đắt hàng thì được 100.000 đồng, nếu không chỉ được 50.000 đồng. Cuộc sống ở vùng ven đô khi mà mớ rau, cân gạo... đều phải ăn đong, chật vật vô cùng. Theo bà Đỗ Nguyễn Anh, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu, trên giấy tờ, đúng là phường không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Nhà nước, nhưng thực tế trên địa bànvẫn còn gần chục hộ khó khăn như gia đình chị Loan. "Nhiều gia đình khó khăn, nhưng họ tự trọng không muốn nhận mình là hộ nghèo mà chỉ trăn trở bày tỏ với chúng tôi muốn được vay 20 triệu - 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có tiền thuê chỗ ngồi bán hàng, sắm đồ nghề mưu sinh. "Chúng tôi cũng muốn giúp lắm nhưng xét về tiêu chí đối tượng chính sách thì không đúng, mà không có trợ giúp từ các hội đoàn thể thì họ không thể bấu víu vào đâu" - bà Anh cho hay!

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Đỗ Thanh Hiền cho biết, theo quy định, để tiếp cận với chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng phải có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Nhà nước ban hành đầu mỗi năm và phải được UBND cấp xã xác nhận tại danh sách đề nghị vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực tế hiện nay, đối tượng được tiếp cận chương trình này trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các quận nội thành rất hạn chế. Những hộ nằm trong danh sách chủ yếu là hộ già cả, neo đơn, hưởng trợ cấp không thuộc đối tượng vay. Trong khi đó, nhiều hộ không nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn, nhưng có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn và có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh lại không tiếp cận được với nguồn vốn cho vay hộ nghèo và cận nghèo.

Quá trình hỗ trợ hộ nghèo mặc dù có rất nhiều chính sách song hiện vẫn mang tính đại trà, hiệu quả thấp. Được biết, hiện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang xây dựng phần mềm quản lý hộ nghèo để phân loại và quản lý đối tượng nghèo theo chính sách phù hợp. Hy vọng trong thời gian tới việc hỗ trợ tràn lan sẽ được giảm bớt, thay vào đó là các chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thủ tục nhanh gọn, để sự trợ giúp đến đúng đối tượng, tránh tình trạng ai cũng muốn xin là hộ nghèo và không ai muốn thoát nghèo.

 

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, quy định chuẩn nghèo của Hà Nội là dưới 550 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và dưới 700 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Hiện Ba Vì là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm 9,79%; Quốc Oai chiếm 8,33%; Phú Xuyên chiếm 7,84%. Một số xã như An Phú (huyện Mỹ Đức), tỷ lệ hộ nghèo tới 25,1%, Ba Vì (huyện Ba Vì) 39,13%... Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố hiện còn 2,8%, trong đó khu vực nông thôn còn 4,08%.

 

Từ khoá: người lao động chính sách xây dựng vay vốn nhà nước gia đình nông thôn quyết tâm việc làm lao động gia ổn định ngân hàng khó khăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét