Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thăm các tuyển thủ Đội Tuyển bóng đá nữ VN. Ảnh: Quang Thắng
Nước mắt SEA Games (Bài cuối):
Loạt bài "Nước mắt SEA Games" đăng trên báo Lao Động tuần qua đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc cả nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bích Thắng quanh vấn đề chính sách đãi ngộ cho VĐV.
´ Thưa ông, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan kiên quan chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao nếu cần thiết, đặc biệt là với các VĐV ĐTQG gặp tai nạn, chấn thương trong tập luyện, thi đấu. Vậy việc này đã được thực hiện đến đâu?
- Chính sách với VĐV bị thương tật, tai nạn trong tập luyện và thi đấu thể thao đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư liên tịch số 149/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu, trong đó có quy định rõ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn cho các đối tượng HLV, VĐV bị thương tật, tai nạn trong tập luyện và thi đấu thể thao.
Khi VĐV, HLV gặp tai nạn bị thương tật trong thi đấu, tập luyện thể thao thì chế độ khám, chữa bệnh, trợ cấp sẽ do đơn vị sử dụng HLV, VĐV chi trả (hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả nếu HLV, VĐV có đóng bảo hiểm), cũng giống như người lao động ở các ngành nghề khác bị tai nạn khi đang làm việc.
Mặc dù vậy, hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng và đã gửi xin ý kiến của các bộ liên quan về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ chính sách đặc thù đối với VĐV trọng điểm, trong đó, đối với các VĐV tài năng bị chấn thương mà trong nước không đủ điều kiện chữa trị, nếu cần thiết, sẽ cho phép ra nước ngoài điều trị ở những cơ sở y tế có trình độ cao hơn. Ngoài ra, trong dự thảo quyết định này, chúng tôi cũng có đề xuất nâng chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền lương cho những VĐV trọng điểm.
´ Tuy vậy, nhưng những VĐV mà bị thương tật nặng vĩnh viễn như Lê Thị Huệ, hay những VĐV cống hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp thể thao như Nguyễn Thị Thiết (cử tạ) rồi tay trắng khi giải nghệ, thì nên chăng cũng cần có những ưu đãi đặc biệt để họ đỡ thiệt thòi?
- Là những người trong nghề, chúng tôi cũng mong VĐV được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt, bởi chế độ đãi ngộ có cao thì mới thu hút được VĐV yên tâm cống hiến cho thể thao. Quả thật, với chế độ như hiện nay, việc tuyển VĐV tập luyện, thi đấu thể thao chuyên nghiệp rất khó, vì đây là loại hình lao động rất nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng thu nhập không cao, đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho VĐV khi thôi tập luyện và thi đấu còn nhiều bất cập.
Nhưng phải khẳng định rằng, trong điều kiện như vậy, hầu hết các HLV, VĐV luôn có ý thức nỗ lực phấn đấu giành thành tích cao và biết đặt mình trong bối cảnh chung, khi điều kiện của đất nước còn nhiều khó khăn. Mặc dù rất mong muốn VĐV được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt, nhưng nếu đề xuất cao quá thì sẽ không có nguồn chi trả, mặt khác, cũng không thể xây dựng chính sách với HLV, VĐV quá cao so với những đối tượng lao động khác trong xã hội.
Đối với HLV, VĐV hiện nay, khi đạt thành tích xuất sắc thì được nhà nước khen thưởng, khi chấn thương thì có những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn... Là những người quản lý, chúng tôi biết các chính sách chưa thỏa mãn được nhu cầu của các HLV, VĐV. Vì vậy, với các VĐV đạt thành tích xuất sắc hoặc khi có VĐV bị chấn thương, chúng tôi đều phối hợp với các địa phương, các ngành vận động các doanh nghiệp, xã hội tài trợ, ủng hộ cho VĐV. Nhân đây, chúng tôi rất mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân luôn sẵn lòng chia sẻ, động viên và hỗ trợ cho các HLV, VĐV thể thao để họ yên tâm cống hiến, theo đuổi sự nghiệp thể thao.
- Xin cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét