Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích cây trồng tăng "nóng" nhất trên địa bàn tỉnh trong khoảng 3 năm trở lại đây là thanh long
Việc ồ ạt trồng thanh long thời gian qua đã dẫn đến hiện tượng cung lớn hơn cầu khi thanh long từ các địa phương trên địa bàn tỉnh đổ ra thị trường với giá rất rẻ đã gây mối lo vỡ quy hoạch cho cây thanh long.
Ồ ạt trồng thanh long
Theo bà con nông dân tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), trong những năm qua, trồng cây thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bình quân 1ha thanh long mỗi năm cho khoảng 30 tấn sản phẩm. Với giá bán 35.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ và 20-22.000 đồng/kg thanh long ruột trắng thì 1 ha thanh long phát triển tốt có lãi khoảng 130-150 triệu đồng. Mặt khác, thanh long ruột đỏ là mặt hàng xuất khẩu của xã Bông Trang. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh thanh long, hiện Trung Quốc (thị trường chính nhập thanh long Việt Nam) cũng đã trồng hàng chục ngàn ha thanh long để dần thay thế việc nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, nếu Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng phát triển ồ ạt thanh long thì nguy cơ không xuất khẩu được là điều tất yếu.
BR-VT hiện có khoảng 200ha thanh long và bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 40 ha. Năm 2012, tại ấp Trang Định (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) có 25ha thanh long với 30 hộ tham gia, đến nay đã có 50 hộ trồng với tổng diện tích gần 40ha. Lý giải cho việc trồng thanh long ồ ạt, đa số người trồng thanh long tại xã Bông Trang đều cho rằng, thanh long là loại cây dễ trồng, mùa vụ ngắn, lại cho lợi nhuận khá cao. Hiện nhiều hộ đầu tư tiền của, phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng thanh long dù không biết đầu ra có ổn định hay không. Theo các nhà khoa học và quản lý nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nghiên cứu dự báo về nhu cầu thị trường từng sản phẩm, chủng loại, giá cả, thị trường. Và người dân sẽ gánh hậu quả khi chạy đua trồng thanh long mà không nắm rõ nhu cầu thị trường. Việc chuyển đổi cây trồng phải đặt trên nền thị trường và quy hoạch của nhà nước để được hỗ trợ và chia sẽ về kỹ năng trồng cũng như phòng chống dịch bệnh. Nếu phát triển tự phát thì việc trồng rồi phá lại tiếp tục xảy ra.
Lựa chọn giống cây chất lượng cao
Theo Sở NN-PTNT, thanh long là loại cây ăn trái mới phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Huyện Xuyên Mộc và huyện Tân Thành hiện đã hình thành những trang trại trồng tập trung. Trong đó, giống thanh long ruột đỏ "Long Định 1" do Viện Cây ăn quả miền Nam chọn có ưu điểm khác biệt so với thanh long thông thường. Kết quả thống kê của các Phòng NN-PTNT tại các huyện cho biết, toàn tỉnh hiện mới có hơn 45ha thanh long "Long Định 1". Tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) giống thanh long này được trồng tập trung và là giống chính cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo ông Mai Văn Tiết, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Bông Trang, thanh long "Long Định 1" lúc đầu chỉ có một số ít hộ trồng thử, đến nay đã phát triển rộng lên khoảng 13ha. So với thanh long thông thường, thanh long "Long Định 1" có giá bán cao hơn 1,5 lần, dễ tiêu thụ hơn. Đây là giống thanh long thích nghi với thổ nhưỡng BR-VT, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung, tỷ lệ đậu trái cao và chất lượng ngon…
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, thanh long "Long Định 1" là cây ăn quả có nhiều tiềm năng phát triển và đem lại hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình khá thành công, ổn định đầu ra. Để phát triển cây thanh long người sản xuất cần có định hướng: Trước hết là phải bảo đảm tính ổn định và bền vững. Bảo đảm được chất lượng và an toàn cho người sử dụng, đây chính là tiêu chí để tạo dựng thương hiệu hàng hóa nông sản trên thị trường. Để làm tốt vấn đề này, người trồng thanh long cần tránh tình trạng tự phát, không theo quy hoạch mà phải liên minh chặt chẽ dưới hình thức trang trại hay HTX để tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Quang Nguyễn/Báo Bà Rịa-Vũng Tàu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét