(ĐTCK) Mùa tựu trường, nhu cầu về sách vở, thiết bị giáo dục của số lượng lớn học sinh - sinh viên như thường lệ lại tạo mối quan tâm dành cho nhóm cổ phần sách, thiết bị và đầu tư trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, dường như các công ty trong ngành đang dần đuối sức.
Lợi nhuận giảm
Tổng hợp báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2014 của 14 công ty niêm yết ngành sách cho thấy, hầu hết các công ty này đều có lãi. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận đạt được có xu hướng giảm. Tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2014 của 14 công ty chỉ đạt gần 36 tỷ đồng. Con số lũy kế 6 tháng cũng rất khiêm tốn, ở mức 36,8 tỷ đồng.
Trong số công ty ngành sách đã công bố BCTC quý II/2014, CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (SED) là đơn vị có kết quả kinh doanh khả quan nhất. Theo đó, quý II/2014, SED đạt 170,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; nhưng lợi nhuận sau thuế (LNST) lại giảm gần 20%, đạt 16,6 tỷ đồng so với con số 20,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SED đạt 226,2 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ đồng LNST, lần lượt tăng 5% và giảm 20,3% so với cùng kỳ.
Hai công ty đứng tiếp theo về lợi nhuận là CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Đà Nẵng (DAD) và CTCP Sách giáo dục tại TP. Hà Nội (EBS) với 7,5 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng LNST trong 6 tháng, giảm lần lượt 18,8% và 16,5% so với cùng kỳ.
Đến thời điểm này, CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (EID) - công ty có quy mô lớn nhất trong ngành với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, vẫn chưa công bố BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2014, nhưng theo BCTC quý I/2014, EID đạt 60,22 tỷ đồng doanh thu, giảm 1,5% so với cùng kỳ; LNST đạt 940 triệu đồng, giảm tới 28,2%, hoàn thành tương ứng 17% và 3% kế hoạch năm.
Theo giải trình của SED, sở dĩ lợi nhuận của Công ty giảm mạnh so với cùng kỳ là do thuế suất thuế thu nhập công ty năm 2014 là 22%, so với mức 10% của năm 2013. Đồng thời, Công ty có điều chỉnh hồi tố giảm thuế thu nhập công ty của năm 2012 do được hưởng thuế suất 10%, tương ứng số tiền là 2,49 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận tại SED cũng như các DN ngành này chủ yếu do giá vốn tăng cao. Theo thông tin từ Bộ Công thương, từ trung tuần tháng 3 đến nay, giá các loại bột giấy và giấy thành phẩm thế giới tăng liên tục. Tại châu Á, giá bột giấy tăng 25 - 30%, nguyên nhân chính là do gỗ nguyên liệu tăng từ 20% trở lên, cùng với nhu cầu từ Trung Quốc, Ấn Độ... tăng cao. Điều này làm giá giấy nguyên liệu cho các công ty in sách tăng lên, thậm chí với DST và QST đã ghi nhận khoản lỗ tương ứng 0,22 tỷ đồng và 0,48 tỷ đồng khi có tỷ lệ giá vốn/doanh thu lên tới 94% và 82,8%.
Bộ Công thương dự báo, giá giấy thế giới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn còn cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, là một trong những ngành hoạt động kinh doanh mang tính chất thời vụ cao, chỉ tiêu thụ mạnh vào thời điểm trước năm học, nên trong quý III và IV, các công ty ngành sách sẽ khó kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh cao.
Cổ phiếu thiếu sức hút
Được đánh giá là ngành có hoạt động kinh doanh ổn định, do phần lớn đều có xuất phát từ các công ty là đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục, nên các công ty này có nhiều lợi thế trong lĩnh vực hoạt động của mình (thị phần ổn định, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, sự cạnh tranh trong ngành ít...). Tuy nhiên, yếu tố lợi thế này cùng với việc quy mô công ty nhỏ (ngoài EID và EBS, quy mô vốn của các công ty khác đều dưới 100 tỷ đồng), chính là một trong những nguyên nhân khiến cổ phần ngành sách thiếu sức hút với các nhà đầu tư, dù thị giá chỉ nằm quanh mức mệnh giá.
Trong 5 công ty có quy mô lớn nhất trong ngành, cả 5 đều có cổ đông lớn là Nhà xuất bản Giáo dục, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ khá cao, thậm chí, với DAD, tỷ lệ sở hữu của Nhà xuất bản Giáo dục lên tới 41,5%. Điều này khiến thanh khoản của các cổ phần ngành sách ở mức thấp, chỉ đạt trung bình vài trăm tới vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Về giá, tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phần của các công ty ngành sách chỉ tăng trung bình chưa đến 2%, trong khi chỉ số VN-Index tăng 17,7%; HNX-Index tăng 16,5%. BED và ADC có mức tăng lớn nhất, cùng tăng trên 36%, nhưng cũng có những cổ phần giảm mạnh, như HST giảm gần 35%, SGD giảm 20,6%... Trong đó, gần như mức tăng này được thực hiện trong quý I khi TTCK đã có đà hồi phục mạnh. Sang quý II, ảnh hưởng của những diễn biến trên biển Đông, thị trường sụt giảm, cổ phần ngành sách cũng lao dốc mạnh và không có nhiều chuyển biến kể từ đầu quý III đến nay.
Mặc dù, từ nửa cuối năm 2013, cổ phần ngành sách nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (trong cơ cấu cổ đông, đều có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài), nhưng để tạo được sức hút hơn cho cổ phần ngành sách, bên cạnh yếu tố duy trì mức tăng trưởng ổn định, các công ty trong ngành cũng cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông đến nhà đầu tư, cũng như giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước, giúp tăng lượng cổ phần lưu hành, qua đó giúp thanh khoản cổ phần tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét