Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Từ Dự thảo thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Nhập khẩu đến 75%sản lượng thuốc

Dù là một nước sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng có một thực tế đáng buồn là hàng năm nước ta phải nhập khẩu tới 75% thuốc hoặc nguyên liệu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Từ đó, dẫn tới việc không kiểm soát được cả về chất lượng, tính an toàn cho môi trường và giá cả…

Từ Dự thảo thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Nhập khẩu đến 75% sản lượng thuốc
Giá thuốc bảo vệ thực vật mỗi đơn vị bán một mức khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi.

Phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng giá trị dành cho nhập khẩu thuốc BVTV của Việt Nam trong năm 2013 là 702 triệu USD (không kể hương muỗi, các hóa chất xử lý nước và các ngành khác), trong đó giá trị nhập trực tiếp từ Trung Quốc là 431 triệu USD (không kể xuất xứ từ Trung Quốc qua các nước thứ 3). Về sản lượng, năm 2013, nước ta đã nhập 112.000 tấn thuốc BVTV, trong đó có tới 91.000 tấn nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa kể sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nhập về từ nước thứ 3. Riêng 7 tháng đầu năm nay, nước ta cũng phải bỏ ra tới 475 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó 57% là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đó chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, còn con số nhập lậu thì không thể thống kê hết được. Số lượng thuốc BVTV rải xuống đồng ruộng Việt Nam phục vụ cho nhu cầu thâm canh, tăng vụ trong những năm gần đây cũng tăng lên nhanh chóng. Chính vì thế, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề, đó là tại sao trong dự thảo thông tư chỉ quy định "nhà sản xuất" là nhà sản xuất ra nguyên liệu thuốc BVTV.

Chuyên gia Nguyễn Trần Oánh- Hội KHKT BVTV Việt Nam cho rằng: "Trong nhiều điều kiện, các nhà gia công cũng được coi là các nhà sản xuất, vì chính họ làm phong phú dạng sản phẩm. Việt Nam chỉ có nhà gia công, chứ hầu như không có nhà sản xuất thuốc BVTV. Điều này liên quan đến sản phẩm. Khi đăng ký chúng ta cần có công thức được chứng nhận từ nước ngoài (Điều 10, mục 2, khoản d). Nếu các nhà gia công không được coi là nhà sản xuất, thì công thức ấy nếu đã đăng ký ở nước ngoài, vẫn được chúng ta công nhận".

Từ đó, ông Oánh đặt câu hỏi: "Trong thực tế, việc tạo các công thức mới của các nhà gia công, không cần sự đồng ý của nhà sản xuất nguyên liệu thuốc. Họ có thể mua nguyên liệu ở thị trường, nghiên cứu, tự đăng ký và sản xuất. Nước ngoài họ làm được vậy, Việt Nam cũng có quyền nghiên cứu, đăng ký và sản xuất chứ. Tại sao chỉ công nhận có công thức ở nước ngoài?".

Loạn giá cả thuốc

Hiện sản phẩm thuốc BVTV trên thị trường nước ta vô cùng phong phú về chủng loại và giá cả. Chỉ cần khảo sát tại các đại lý bán thuốc BVTV, đã thấy hoa mắt trước các loại thuốc được bày bán. Nếu không phải là giới chuyên môn thì khó ai có thể phân định được nên dùng thuốc gì và lựa chọn mức giá bao nhiêu? Chẳng hạn như, sản phẩm Tilt super 300EC (hoạt chất Difenoconazole 150g/l + Propiconazole 150g/kg), Chess 500WG (hoạt chất Pymetrozine 500g/kg) của một doanh nghiệp nước ngoài hay như thuốc Chess 500WG trừ rầy hại lúa đóng gói 7,5gr, người dân thường mua khoảng 20.000 đồng/gói pha cho bình 12 lít nước và 1 sào Bắc Bộ (360m2) cần phải dùng 1,5 gói. Trong khi đó, cũng dòng sản phẩm này với các nhãn thuốc khác cùng nhóm hoạt chất trừ rầy trên thị thường như OSKA 500WG (hoạt chất Pymetrozine 500g/kg) gói 15gr người dân mua với giá khoảng 30.000 đồng/gói có thể pha, phun cho 1 sào Bắc Bộ. Ngược lại, sản phẩm hỗn hợp TVPYMEMOS 300WP (hoạt chất Pymetrozine 150g/kg + Buprofezin 150g/kg) gói 18gr giá mua từ đại lý chỉ khoảng 14.000 - 15.000 đồng/gói pha cho bình 16 lít nước.

Khảo sát của phóng viên đối với sản phẩm thuốc trừ sâu cuốn lá, đục thân cũng cho thấy có nhiều mức giá khác nhau. Sản phẩm Regent 800WG (hoạt chất Fipronil 800g/kg) của Công ty Bayer Vietnam Ltd (BVL), đóng gói 0,8gr/gói có giá bán 5.500– 6.000 đồng, trong khi đó sản phẩm cùng hàm lượng, quy cách nhưng sản phẩm Rigell 800WG của Công ty cổ phiếu quốc tế Hòa Bình đang bán giá 4.000 đồng, sản phẩm Tango 800WG của Công ty cổ phiếu Thuốc BVTV T.Ư 1 giá bán ra thị trường 4.000 đồng. Quy cách đóng gói 1gr nhưng Bayer bán giá 6.500 - 7.000 đồng, trong khi đó gói 1gr cùng hoạt chất của Công ty CP quốc tế Hòa Bình và Công ty CP BVTV I Trung ương, Công ty Nicotex lại chỉ bán 5.000 đồng.

Tương tự, sản phẩm thuốc trừ bệnh Ridomil Gold 68WG của một doanh nghiệp khác với quy cách đóng gói 100gr, giá bán ra thị trường 36.000 đồng. Trong khi đó, với các sản phẩm cùng chủng loại, cùng quy cách đóng gói, các doanh nghiệp trong nước bán với giá 19.500 đồng...

Trên thực tế, các mức giá khác nhau như trên phần phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, phần phụ thuộc vào tính độc quyền của sản phẩm, song trong dự thảo thông tư lần này, vấn đề quản lý giá cả thuốc BVTV lại chưa được nhắc tới. Theo đại diện của Hội Doanh nghiệp Sản xuất kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam: Phần lớn doanh nghiệp thuốc BVTV cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm ra đáp ứng yêu cầu phục vụ nông nghiệp nếu các điều, khoản trong dự thảo này được ban hành mà không được thẩm định lại thấu đáo, sửa đổi, bổ sung, thậm chí bãi bỏ một số điều không khả thi. Riêng các doanh nghiệp thuốc BVTV trong nước việc mất dần thị trường thuốc BVTV ngay trên đất nước của mình là điều không tránh khỏi.

Nếu mặt hàng thuốc BVTV phụ thuộc hầu hết vào các doanh nghiệp đa quốc gia với các chi phí cao ngất ngưởng, không còn tính cạnh tranh về giá thành với các doanh nghiệp trong nước, chắc chắn khi đó giá thuốc sẽ cao, giá thành nông sản tăng lên; lợi nhuận về kinh doanh thuốc được chuyển về doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài, chắc chắn tác động xã hội sẽ không nhỏ như kinh nghiệm về mặt hàng sữa bột những năm gần đây.

(Hội Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh BVTV Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét