Tháng Chín năm ngoái, Andy Murray chơi canh bạc lớn nhất trong sự nghiệp của mình: phẫu thuật lưng. Kể từ đó đến nay, anh không còn nhức nhối vì chấn thương ấy, nhưng phải vật vã chống lại một loại virus mang tên: Thất bại.
Đó là một loại virus đánh vào tinh thần mạnh hơn thể xác khi Murray phải trải qua khoảng thời gian trượt dốc không phanh với 13 tháng trắng tay. Và nhiệm vụ của tay vợt người Scot bây giờ là phải tìm lại niềm cảm hứng từng giúp anh đăng quang ở Flushing Meadows, và sau đó là chiến tích lịch sử tại All England Club.
13 tháng đáng quên
Kể từ khi đánh bại Novak Djokovic trận chung kết đầy kịch tính ở Wimbledon 2013, Murray không giành được một danh hiệu nào nữa. Anh đã thua 14 trong tổng số 54 trận, không lọt vào chung kết trong suốt 16 giải đấu, tụt từ hạng 2 xuống hạng 9 thế giới, đồng thời chia tay Ivan Lendl, vị HLV đã biến anh từ một tay vợt giỏi thành một nhà vô địch Grand Slam. Đáng lo hơn, anh thua cả 7 lần đối đầu với các tay vợt nằm trong top 10, và thua 4/8 trận gặp các đối thủ xếp từ hạng 11 đến 20.
Điểm yếu dễ nhận thấy trong lối chơi hiện tại của Murray là anh rất hay để đối phương lội ngược dòng. Thất bại trước Ferrer ở tứ kết Cincinnati Masters tuần trước là một minh chứng khi anh đã dẫn Federer 4-1 ở set thứ hai rồi lại để thua ngược. Tương tự là thất bại trước Tsonga ở tứ kết Rogers Cup hay trước nữa là trận thua Nadal ở Roma, khi anh đã dẫn 4-2 ở set thứ ba.
"Việc thua 4 game liên tiếp quả là khó chấp nhận. Tôi sẽ phải để ý đến điều này", Murray thừa nhận sau thất bại trước Tsonga. Tuy nhiên, trong buổi họp báo sau trận thua Federer (tay vợt đang có phong độ rất cao) ở Cincinnati, anh tỏ ra bi quan hơn hẳn khi bảo rằng "Đó là một thất bại tồi tệ". Đó là một biểu hiện của tâm lý bất ổn. Trong hai năm gắn bó với Ivan Lendl, Murray dường như đã vượt qua được vấn đề sức ép vốn đã đeo bám anh suốt từ khi theo đuổi sự nghiệp nhà nghề. Nhưng bây giờ, dường như nỗi ám ảnh ấy đang trở lại khi anh chia tay huyền thoại này.
Mauresmo không thể cứu Murray?
Amelie Mauresmo liệu có lấp đầy khoảng trống mà Ivan Lendl đã để lại sau khi chia tay Murray. Đến thời điểm này, câu trả lời là KHÔNG. Và US Open có thể là cơ hội cuối cùng để bộ đôi cô - trò này có thể tiến tới một sự cộng tác lâu dài hơn. Dù hồi đầu tháng, Murray thừa nhận anh muốn cộng tác lâu dài hơn với Mauresmo, song rõ ràng, thành tích tại giải Grand Slam cuối cùng trong năm mới quyết định điều đó.
Murray rất thích New York, đó là nơi anh đã vô địch giải trẻ US Open năm 2004, đã xóa đi mọi sự dè bỉu bằng Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 2012. Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là yếu tố lịch sử. Hiện tại sẽ là thử thách lớn hơn rất nhiều. Sau những gì đã diễn ra thời gian qua, có thể thấy dấu ấn của Mauresmo lên Murray chưa rõ rệt. Và năng lực huấn luyện của Mauresmo rõ ràng cũng bị nghi ngờ rất nhiều. Tay vợt nữ người Pháp nổi tiếng về lối chơi thể lực và nghị lực phi thường khi còn thi đấu, nhưng trên băng ghế huấn luyện, cô còn quá ít kinh nghiệm
Murray, dĩ nhiên, vẫn cố tỏ ra lạc quan khi so sánh Mauresmo với Lendl: "Triết lý của Mauresmo có khá nhiều điểm tương đồng với Ivan Lendl nhất là về sự quyết liệt trong những tình huống lên lưới tấn công khi có thể, nhưng Amelie đa dạng hơn. Đó là điều mà Ivan không có".
Ngoài ra, Murray thừa nhận rằng bản thân cũng cần phải cải thiện rất nhiều vệ sự tập trung. "Sẽ thật vô ích nếu bạn giành 3 đến 4 tiếng trên sân mà chỉ thể hiện được 70% đến 80% nỗ lực của mình".
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét