Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Thời điểm nào thực sự cần thiết khởi kiện TrungQuốc?

BizLIVE - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Nếu kiện Trung Quốc chúng ta được đạo lý, pháp lý, chính nghĩa. Những cái đó chúng ta chắc chắn được. Nhưng việc duy trì được quan hệ hữu nghị, hòa hữu để cùng nhau bình yên phát triển thì đó mới là yếu tố cần phải cân nhắc.

Thời điểm nào thực sự cần thiết khởi kiện Trung Quốc?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Mạnh Nguyễn

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có cuộc trao đổi thêm về cuộc đấu tranh đòi Trung Quốc rút giàn khoan, ngừng các hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra, Bộ trưởng có thông tin về việc Chính phủ khi thấy thực sự cần thiết sẽ tiến hành khởi kiện Trung Quốc. Vậy khi nào là thời điểm thực sự cần thiết để khởi kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đây này là một câu chuyện dài. Hiện nay nói về mặt pháp lý, chúng ta có đủ cơ sở, hồ sơ chuẩn bị đầy đủ nhưng việc cần thiết ở đây là cân nhắc về thời điểm thực hiện biện pháp này. Vì khi đi kiện thực sự khi nào cần.

Ví dụ đơn giản như khi có tranh chấp giữa hai gia đình hàng xóm láng giềng, nếu phải "lôi" nhau ra tòa thì thực sự cần phải xem xét lúc nào mới thực sự cần đến mức độ như vậy. Còn nếu có thể làm được gì khác thì ta phải tận dụng để làm sao sau khi kiện vẫn còn được duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị, láng giềng với nhau.

Bộ trưởng đánh giá chúng ta được gì và mất gì nếu ta kiện Trung Quốc?

Luật pháp bảo vệ những người ở thế yếu, đó cũng được coi là vũ khí của người yếu. Nhưng thực ra đã đến mức kiện nhau ra tòa thì khó có gì gọi là được hay mất. Nếu được chỉ là được cái đạo lý, pháp lý, chính nghĩa. Những cái đó chúng ta chắc chắn được. Nhưng việc duy trì được quan hệ hữu nghị, hòa hữu để cùng nhau bình yên phát triển thì đó mới là yếu tố cần phải cân nhắc.

Việt Nam đã rất nbiết nhịn nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, theo Bộ trưởng, chúng ta nên làm gì?

Chúng ta hiện đang cố gắng kiềm chế đến mức tối đa, không để sơ hở nhỏ nhất. Bởi chỉ cần một sơ hở họ sẽ vin vào để tiến hành các việc theo ý đồ của mình. Quan điểm của Việt Nam là chỉ dùng vũ lực khi buộc phải hành động để tự vệ. Chúng ta nhất định không khơi mào chiến tranh vì chiến tranh hết sức nguy hiểm.

Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ chịu kiêm chế, nhẫn nhịn được trong bao nhiêu lâu? Liệu sẽ là 1 năm, 5 năm, 10 năm hay nhiều hơn thế nữa nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động xâm phạm, khiêu khích?

Đến giờ này, bạn bè thế giới đa số ủng hộ chúng ta và đánh giá rất cao sự kiềm chế của chúng ta, đánh giá rất cao hành động của chúng ta kiên nhẫn bảo vệ chủ quyền của chúng ta bằng giải pháp hòa bình. Và thế giới cũng nhắc nhở chúng ta rằng cố gắng, kiên trì, đừng để bất cứ sơ hở nào dẫn tới xung đột.

Mỗi một sơ hở dù nhỏ cũng lọt vào mưu đồ của kẻ xấu trong lúc chúng ta hoàn toàn chỉ bảo vệ bằng hành động hòa bình của mình như vậy mà họ cũng dùng những lời lẽ vu khống, vu cáo, rất trắng trợn cho rằng chúng ta có hành vi quấy phá.

Đến một khoảng nào đó thấy rằng có thể hành động được để tương xứng với yêu cầu, mục đích bảo vệ chủ quyền thì chúng ta sẽ làm. Còn đến lúc này chỉ có thể lấy đạo lý, lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, tranh thủ tiếng nói ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Nếu nói về sức chịu đựng của Việt Nam với Trung Quốc thì chúng ta đã chịu đựng mấy nghìn năm nay rồi. Chúng ta từng đánh thắng rồi lại đi cầu hòa, thậm chí là phải đi cống nạp. Ông cha chúng ta đã từng trải qua những chuyện đó. Cả dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng lâu rồi chứ không phải giờ mới vậy.

Trong thời gian qua, có thể thấy Chính phủ đều công khai những bước đi trong cuộc đấu tranh Trung Quốc, vậy có phải là thông minh và khôn khéo khi để lộ hết các bước đi?

Thực chất chúng ta đang tuyên truyền những gì mà nhân dân Việt Nam và thế giới cần biết. Thực tế còn nhiều bước đi, phương pháp, công cụ đấu tranh mà chúng ta chưa nêu ra.

Trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo phải tuyên truyền cụ thể, sâu rộng hơn về nội dung công hàm chúng ta đưa sang Trung Quốc, đưa lên Liên Hợp Quốc giúp người dân hiểu rõ. Phải nói cho dân hiểu, dân thông để dân đồng thuận.

Người trượng phu khi đối diện với kẻ thù thì dù có gươm nhưng chúng ta vẫn chịu đựng, không rút gươm ra, vì một mục đích cao hơn thì đó cũng là một hành động anh hùng và các chiến sỹ đang làm việc trên biển, đấu tranh ngoài giàn khoan đã làm được như thế.

Nếu lực lượng thực thi pháp luật trên biển không kiềm chế, chỉ một người ngã xuống thì tình hình sẽ rất nguy hiểm, khó kiểm soát. Vậy nên sự kiềm chế là cần thiết.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!



Từ khoá : dự án cảnh viên 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét