(TBKTSG Online) - Từ ngày 15-8-2014, nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả) sẽ được ưu tiên (trong chọn thầu) khi có các hồ sơ dự thầu xếp hạng ngang nhau, theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu mới được ban hành.
Quang Chung
Cũng theo nghị định này, việc tính ưu đãi đối với gói thầu hỗn hợp được căn cứ vào tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Theo ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước như trên là nhằm ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước; đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn.
Nhưng, để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, nghị định cũng quy định nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phiếu hoặc vốn góp trên 30% của nhau; nhà thầu không có cổ phiếu hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đấu với đấu thầu hạn chế.; nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phiếu hoặc vốn góp của nhau…
Tuy nhiên, đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của doanh nghiệp này, đồng thời là đầu vào của doanh nghiệp kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các doanh nghiệp con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghị định mới này còn đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đấu thầu - quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu đối với từng trường hợp cụ thể so với những quy định trước đây; quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể (có bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá rẻ nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu).
Một điểm mới của nghị định là quy định hình thức mua sắm tập trung để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu. Theo hình thức này, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần - rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm.
Ngoài ra, nghị định còn phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét