Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Ước mơ của người đánh cá

Biển là không gian sinh tồn bền vững của đất nước. Trong tình hình khó khăn chung, việc đánh bắt hải sản của ngư dân cũng gặp khó khăn. Cũng chính vì khó khăn nên ước mơ của ngư dân lại càng cháy bỏng. Đó là ước mơ làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương đất nước bằng chính sức lao động của mình. Những giọt mồ hôi mặn như muối biển phải được trả công xứng đáng. Những ngư phủ can trường mong được sát cánh cùng nhau trong những tổ hợp tác trên biển, và cũng mong sớm nhận được vốn vay ưu đãi để đóng tàu lớn vươn khơi.

Ước mơ của người đánh cá - 2014_199_12_a1.jpg
Chiếc tàu vỏ sắt công suất 900 CV, trang thiết bị hàng hải hiện đại đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu hiện có hơn 6.300 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó số tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ có trên 2.500 chiếc. Tình hình đánh bắt xa bờ hiện gặp khó khăn hơn trước nhiều, nhưng nói như ông Đỗ Ngọc Đức (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì chưa bao giờ bà con ngư dân lại quyết tâm bám biển dài ngày như hiện nay. Sau 30 năm làm nghề đi biển, hiện gia đình ông Đức đã có 7 cặp tàu gồm 14 chiếc có công suất mỗi chiếc trên 450 CV.

Theo ông Đức, hiện ngư dân xã Phước Tỉnh nói riêng, cũng như ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung cảm thấy an tâm vươn khơi là do chính quyền địa phương đã quan tâm thiết thực hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu thuyền, đặc biệt là việc tổ chức nhiều tổ đội sản xuất trên biển. Giữa sóng to gió lớn, giữa đại dương mênh mông, con người bỗng nhỏ bé và yếu ớt. Nhưng họ sẽ không cô độc, sẽ vững niềm tin và mạnh lên khi biết rằng đứng chân trên biển cùng với mình là những ngư dân đồng đội trong một tổ hợp tác đoàn kết.

Tại thời điểm này, Bà Rịa- Vũng Tàu đã thành lập được 75 tổ đội đoàn kết trên biển với 441 tàu cá và hơn 500 thành viên. Họ sát cánh cùng nhau trong những chuyến đi biển dài ngày, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường, luân phiên chuyên chở cá vào bờ tiêu thụ từ đó tiết kiệm được không ít nhiên liệu. Đặc biệt, những người anh em trong tổ đội đoàn kết trên biển còn kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố tàu hỏng hay đối phó với sự uy hiếp của tàu nước ngoài. Trước đây, khi không có tổ đội đoàn kết trên biển, mỗi chuyến ra khơi xa đều không vượt quá 25 ngày, vì lo cá hỏng nên phải quay mũi tàu trở về. Nhưng từ khi liên minh thành tổ đội, chuyến đi đã kéo dài hơn rất nhiều, lợi ích kinh tế là rất rõ ràng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác thủy hải sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đạt 145.000 tấn, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.

Khi đã không đơn độc, khi đã vững niềm tin thì bà con ngư dân yên tâm bám biển, mạnh mẽ ra khơi xa, đến những ngư trường truyền thống xa xôi như Hoàng Sa, Trường Sa, cho dù nơi đây sóng chưa yên, biển chưa lặng. Minh chứng cụ thể cho sự cần thiết của tổ đội đoàn kết trên biển, vẫn ông Đỗ Ngọc Đức kể rằng, cách đây không lâu, tàu của ông bị chết máy khi cách bờ 30 hải lý. Trong lúc khó khăn, ông đã nhớ ra rằng bên mình còn có tổ đội đoàn kết. Thế là ông đã gọi điện thông báo sự cố mình gặp phải, lập tức nhận được sự trợ giúp của mọi người.

Cũng chính vì nhận thức được tác dụng to lớn và thiết thực của tổ đội hợp tác ngư dân, nên chính quyền các địa phương ven biển đã rất nỗ lực trong việc hình thành nên các tổ đội này. Từ Thừa Thiên- Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… phong trào hình thành và được đẩy nhanh tốc độ. Tới nay, tuy mức độ của từng địa phương khác nhau, nhưng nơi nào cũng có những tổ đội ngư dân đoàn kết trên biển.

Nguồn hải sản ven bờ tới nay đã suy giảm mạnh. Do đó, việc vươn khơi đánh bắt, khai thác là điều tất yếu. Muốn thế, cùng với sự liên minh sức mạnh như thể đồng đội trên biển khơi, thông qua những tổ đội đoàn kết thì vốn vay cho ngư dân đóng tàu đang nổi lên như một đòi hỏi cấp bách. Dù đất nước còn khó khăn nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm cho ngư dân vay gói tín dụng lãi suất rất thấp. Ngân hàng Nhà nước và một số nhà băng thương mại cũng đã vào cuộc chung sức chung lòng với ngư dân. Rút kinh nghiệm của chủ trương cho ngư dân vay đóng tàu gỗ công suất lớn 10 năm về trước, nay việc cho vay đã thông thoáng và thiết thực hơn rất nhiều. Mơ ước có một con tàu to ra khơi đánh bắt dài ngày, năng suất cao, lợi nhuận lớn của bà con đang dần trở thành hiện thực.

Trao quyền quyết định cho ngư dân, đó không chỉ là lời nói mà đã thành thực tế. Có thể bà con vay để đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn, đóng tàu vỏ thép hay kể cả đóng tàu composite… đều được cả. Miễn là phải thiết thực, phải vươn khơi được, phải mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn trước. Theo ông Phan Tuấn Long, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, giá thành đóng tàu công suất lớn vỏ thép hay vỏ composite sẽ hạ nếu như sản xuất hàng loạt với những mẫu đã được thiết kế sẵn. Muốn vậy, bà con ngư dân cũng cần thay đổi tập quán và làm quen với việc vận hành tàu vỏ thép và composite cùng trang thiết bị hiện đại. Trao đổi với ngư dân Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: "Gói tín dụng lần này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho chủ tàu. Chính phủ đưa tiền cho chủ tàu chứ không đưa cho người khác, nên quyền quyết định về mẫu, nội thất, thiết bị như thế nào là hoàn toàn do chủ tàu quyết định".

Được thế thì còn gì bằng!

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, việc đánh giá chất lượng thủy sản sẽ được thực hiện công khai, bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, nâng giá bán cho ngư dân. Ngày 7-7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây được coi là một Nghị định "th���n tốc" bởi từ khi soạn thảo đến khi ban hành chỉ mất có 40 ngày.

Ông Tám cũng cho biết, tới nay đã có 24 mẫu thiết kế tàu vỏ thép để ngư dân lựa chọn. 24 mẫu này được thiết kế cho 6 nghề theo quy mô từng nghề, đảm bảo yêu cầu khai thác của từng nghề và đảm bảo tối ưu vật liệu. Những mẫu tàu này sẽ được công bố trước ngày 25-8. Ngư dân có quyền lựa chọn mẫu thiết kế, lựa chọn công ty thiết kế tàu. Ngư dân cũng có thể không lựa chọn những mẫu thiết kế ấy, nhưng nếu họ thuê thiết kế riêng thì mẫu tàu sẽ phải được phê duyệt trước khi tiến hành thi công.

Ông Tám cũng tái khẳng định, chính sách vốn vay ưu đãi không phân biệt ngư dân tàu vỏ gỗ hay tàu gì, mà hỗ trợ tất cả ngư dân đi biển. Ngư dân khi đóng tàu to, tàu vỏ sắt sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, vận hành tàu, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản trên tàu.

Có thể nói, chưa bao giờ ngư dân lại được hỗ trợ tối đa như hiện nay. Điều đó một lần nữa đem tới niềm tin, đó là ước mơ của người đánh cá lênh đênh trên biển đã và đang trở thành hiện thực.

NAM VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét